Viết ngắn:

Trường sa trong tôi

(NTO) Dẫu rằng chưa một lần có được vinh dự đặt chân lên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa yêu thương của Tổ quốc, nhưng trong tôi luôn khắc khoải hoài mong về nơi ấy. Nơi có các đồng nghiệp của chúng tôi, những chiến sỹ khí tượng thủy văn (KTTV) đang ngày đêm “bám biển canh trời”.

Hàng ngày, hàng giờ các anh vẫn bất kể nắng mưa hay bão tố, đều đặn gửi về đất liền những mã điện báo số liệu khí tượng hải văn, của từng obs quan trắc quý giá. Họ là những kỹ thuật viên quan trắc khí tượng hải văn tại 2 trong số gần 200 trạm khí tượng thuộc Lưới trạm khí tượng Quốc gia: Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa và Trạm Khí tượng Song Tử Tây.

Ngay từ năm 1995, khi mới bước chân vào học hệ trung học ở Trường Cán bộ Khí tượng Thủy văn Hà Nội, cái nôi đào tạo của ngành KTTV Việt Nam, tiền thân của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và còn được gọi bằng cái tên rất vui “Harvard Cầu Diễn”. Chúng tôi đã được làm quen với mấy anh ở Trường Sa về học đại học chuyên tu, với đặc điểm dễ nhận, đó là: “Da đen, tóc đỏ chứng tỏ Trường Sa”. Tôi còn nhớ như in, câu chuyện với các anh Trực, anh Đức thật là vui vẻ, cởi mở, chân thành và pha một chút hồn nhiên, chân thật của những người xa đất liền lâu ngày, càng làm tăng thêm phần ấn tượng. Đến hẹn lại lên, sau đó hai năm, các anh Phú, anh Thọ rời ghế nhà trường, xung phong khoác ba lô lên đường vào Nha Trang để chuẩn bị nhận nhiệm vụ ra trạm Đảo công tác thay cho những người đi trước. Nhìn thấy anh Quốc, anh Quyết đá bóng ở sân trường; chỉ cần qua màu da, màu tóc, chẳng cần ai giới thiệu chúng tôi cũng nhận ra là mấy anh này vừa mới ở đảo về để học chuyên tu…

Ở cơ quan chúng tôi, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ có cả “Hội Trường Sa”, kỳ cựu là các anh Hữu Chơn, anh Mai "rada", nơi mà các anh thuộc nhiều thế hệ cùng nhau đoàn kết, tâm tình, chia sẻ những tháng ngày vất vả làm nhiệm vụ trên đảo xa, nhưng ẩn chứa đầy những kỷ niệm đặc biệt mà chỉ có họ mới biết được. Trong đó, có đại gia đình nhà anh Võ Thống, phải nói là kỷ lục về số lượt người tham gia công tác trên đảo: Bản thân anh, em trai ruột, hai con trai và con rể. Còn tại đơn vị nơi chúng tôi đang công tác, Trung tâm KTTV Ninh Thuận, cũng có tới 3 trống số 5 người đã từng có thâm niên ở đảo: Giám đốc Sĩ Thoại, Phó Giám đốc Văn Thọ và Trưởng trạm Khí tượng Phan Rang Nguyễn Huy Cường. Hồi cuối năm 2010, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường tới thăm đơn vị, sau khi chào hỏi, giới thiệu, mọi người được biết trong đoàn có anh Khương là Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, đã từng công tác trên trạm Đảo Trường Sa Lớn từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Thế là, trong bữa cơm thân mật, câu chuyện đã trở nên mặn nồng hơn vì nội dung đã được Trường Sa hóa…

Và thay cho lời kết của bài viết này, nhân dịp Kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", chúng tôi xin được bày tỏ sự tôn trọng, sự tôn vinh những công lao đóng góp của người đồng nghiệp thân yêu: Liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa là quan trắc viên tại Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa, đã hy sinh trên đảo trong khi làm nhiệm vụ quan trắc các yếu tố khí tượng hải văn tại Đảo Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa. Chúng ta cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ KTTV vì nhiệm vụ phục vụ cho công tác dự báo phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và sự có mặt của các anh ở nơi đó còn có ý nghĩa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc !