Quán bờ sông- Truyện ngắn của Bùi Diệp

(NTO) Nhiều lúc Hương muốn la thật to để hỏi mọi người, kể cả với Đông rằng ba cô có thật sự yêu thương mẹ con cô không? Và tại sao, sau chừng ấy năm muối mặn gừng cay ba đã biến mất khỏi đời mẹ như là một giấc mơ?

Ngày biết cô yêu Đông, mẹ như người mộng du. Lần đầu gặp anh mẹ cứ chăm chắm nhìn bóng anh in trên bức tường trắng nơi phòng khách. Mẹ rùng mình như lại thấy ba ngồi rít thuốc mỗi khuya…

Hương chờ anh hỏi để kể về ba cô. Nhưng hình như anh đã mang máng biết chuyện. Nếu đã rõ chuyện, anh nghĩ gì về mẹ cô? Những câu hỏi cứ miễn cưỡng xuất hiện trong đầu lúc cô a lô cho anh nhưng không được. Chiều nay chủ nhật sao chỉ mình Hương thấy nhớ quán café Bờ Sông? Lũ bàn ghế nho nhỏ và cũ kỹ nằm thoi loi cách bờ sông Dinh bởi một bờ gạch rêu mốc. Ở đó, dưới rặng trúc vàng có thể vừa nghe vài khúc Trịnh vừa lơ đãng ngắm dòng nước đang lừ đừ qua phố.

*

Mười năm xưa đứng bên bờ giậu/ Đường xanh hoa muối bay rì rào*…Đang nghêu ngao bỗng cô im bặt và tròn mắt vì gã trai ở đâu lù lù trước mặt và cười cười thân thiện. Vừa huýt sáo nho nhỏ, anh vừa tự nhiên kéo ghế ngồi đối diện với cô. Ô hay, Hương bỗng ngạc nhiên vì có cảm giác như đã thân quen với gã trai lạ hoắc. Và ngạc nhiên hơn, đến lúc cả hai im lặng thì gã trở nên lung túng và vụng về, trái với vẻ mạnh dạn ban đầu. Hương mỉm cười. Phút bay bổng của anh mới đây đã bay vèo và rơi tõm xuống dòng sông vừa qua mùa lũ dữ ngoài kia.

- Cô không phiền tôi chứ? Cuối cùng anh lúng túng lên tiếng.

- Tôi chưa biết anh…

- Tôi là Đông. Thợ may công nghiệp. Thích uống cà phê và nghe Trịnh vào cuối tuần. Còn cô?

Cô gái cười tinh nghịch.

- Rồi anh sẽ biết. Xin lỗi, anh bao nhiêu tuổi, chắc là trẻ hơn tôi? Cô gái lại cười tinh nghịch.

- Tôi già như nhạc Trịnh. Còn cô?

- Anh đoán thử xem. Có thấy tôi trẻ như nhạc Trịnh không?

Rồi họ cùng cười. Cùng nhàn đàm về những bài nhạc mà họ cùng yêu thích. Câu chuyện giữa đôi trai gái xa lạ gặp nhau lần đầu mà như là đôi tình nhân lâu ngày gặp lại. Và từ đó, cứ cuối tuần là Đông lại gặp Hương ở quán Bờ Sông.

*

Hương yêu anh ở sự chân thành và giản dị. Còn anh yêu vì Hương thông minh, biết chia sẻ và tôn trọng người khác. Anh hạnh phúc vì cô rất hiểu anh. Anh còn nhớ cảm giác sung sướng thế nào khi bàn tay cô dịu dàng nắm lấy tay anh lúc anh đọc cho cô nghe một đoạn thơ anh viết khi còn lang thang ở Sài Gòn tìm việc: “Phan Rang đang mùa ổi chín? / Sông Dinh qua phố thơm lừng/ Tháng giêng có người xa xứ/ Bên đường mua trái bâng khuâng…”. Tuy nhiên trong cô cứ canh cánh một linh cảm. Nếu lấy nhau liệu hôn nhân của cô và anh có lập lại nỗi buồn của ba mẹ cô không? Liệu anh có vượt qua được mặc cảm thân phận một công nhân quèn bên cô vợ luật sư không? Và cô, liệu có đủ nội lực để lèo lái con thuyền tình yêu của mình trước sóng gió cuộc đời và cả những biến thiên vô hình có thể quấy rối trái tim đa cảm của anh bất cứ lúc nào?

Càng nghĩ cô như bị thôi miên bởi một sự xác tín rằng anh có nhiều điểm tương đồng với ba cô: trầm lặng, tự trọng (đôi lúc cực đoan), nhạy cảm và rất yêu nhạc Trịnh. Làm như mê tín, chả lẽ ai yêu nhạc Trịnh cũng gập ghềnh đường yêu. Cô biết vậy nhưng tình trong nhạc ấy trong sáng quá, hồn nhiên và cao thượng quá. Nó đẹp mong manh như sương khói. Đông cũng nghĩ vậy. Ba cô cũng nghĩ vậy. Có phải vì điều này mà ba mẹ chia tay? Cô không thể lý giải vì sao một người đàn ông yêu thương vợ con hơn bản thân mình lại chạy trốn khỏi mái ấm sau chừng ấy năm chia bùi xẻ ngọt.

Thời bao cấp, lương giáo viên cả ba và mẹ không đủ nuôi con. Ba nhường cho mẹ tiếp tục lên bục giảng còn ba lao vào cuộc mưu sinh. Cuối cùng ba trụ lại với nghề xe ôm. Về sau này khi sức khỏe kém đi ba chỉ nhận đưa đón học trò tiểu học. Ba rất hạnh phúc vì các cháu học sinh biết ba đã từng là thầy giáo nên gọi ba bằng thầy. Thôi, được vậy là mừng! Chính vì vậy mà ba yêu cái nghề này. Nhưng mẹ thì không nghĩ vậy. Cái thời khổ cực đã lùi xa. Con cái giờ khôn lớn. Mẹ muốn ba “về hưu”. Thực ra là mẹ không muốn thấy ba đứng đợi học trò trước cổng trường mẹ nữa. Những lúc bắt gặp ánh mắt khinh miệt của một số đồng nghiệp nhìn cảnh ba lúi húi với công việc xe ôm, mẹ vừa xót vừa xấu hổ. Ba hiểu mẹ nhưng làm ngơ. Còn nghỉ việc để ngồi nhà ăn bám ư ba không chịu nổi! Chính mẹ cũng đâu ngờ những định kiến tầm thường và vớ vẩn của cuộc đời lại đẩy ba ngày càng xa mẹ. Ba càng ít nói và trầm tư hơn. Và một ngày ba biến khỏi cuộc đời mẹ như chưa từng có mặt trong ngôi nhà nhỏ bé này. Mẹ đã hết nước mắt. Hương hoang mang cực độ. Ba và mẹ có yêu nhau không hay chỉ biết yêu bản thân mình?

Chiều nay cô lại hoang mang bởi ám ảnh: Đông là phiên bản của ba cô. Liệu rồi lấy nhau hai người có vượt qua những định kiến tầm thường và vô lý kia không? Hạnh phúc hay khổ đau chỉ là trang thái tử sinh của một cuộc tình. Còn nuôi sống nó phải bằng năng lượng vị tha, đúng không Đông?

Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho. Ba đã hát. Đông đã hát. Không phải là nhạc, lời hứa của tình yêu đấy. Sao ba lại thất hứa? Sao Đông lại trễ tràng? Những đêm hối tiếc của mẹ rồi sẽ rất dài. Buổi chiều đợi chờ của Hương còn bao lâu?

Nhạc chuông reo.

- Em nghe, anh.

- Cô có thấy tôi già như nhạc Trịnh chưa? Ha ha…

Là ba? Hương hét lạc giọng. Vậy là Đông? Đúng, Đông đã tìm ba…

Mừng quá lũ bàn ghế ơi!

Hương khóc ngon lành…

* Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn.