Bao giờ nhãn hiệu tập thể làng nghề phát huy hiệu quả?

(NTO) Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, việc hình thành làng nghề được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh ta trong thời gian đến.

Làng nghề không chỉ là một mô hình phát triển kinh tế nông thôn, mà theo xu hướng kết hợp với kinh tế du lịch, làng nghề ở tỉnh ta còn có khả năng thu hút du khách tìm đến tiếp cận với các sản phẩm thủ công tại địa phương, từ đó tạo điều kiện nâng cao mức sống cho người dân.

Nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống. Ảnh: Hữu Thành

Từ năm 2010, tỉnh ta đã có 4 làng nghề được công nhận, tập trung tại huyện Ninh Phước. Đó là các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân) và làng nghề dệt chiếu cói An Thạnh (xã An Hải).

Dệt thổ cẩm Chăm tại làng nghề truyền thống Mỹ Nghiệp.

Các làng nghề này đã cung cấp cho thị trường 3 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chính gồm thổ cẩm và các sản phẩm làm từ thổ cẩm, gốm và chiếu cói, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, đến nay tỉnh ta mới có 2 nhãn hiệu tập thể làng nghề gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp là được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) bảo hộ độc quyền. Giống như các nhãn hiệu tập thể nông sản (gồm nho Ninh Thuận, táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang, măng khô Bác Ái, rau an toàn Văn Hải và rau an toàn Tuấn Tú), 2 nhãn hiệu tập thể làng nghề truyền thống được bảo hộ vừa kể cũng nổi tiếng và mang tính đặc thù của vùng đất Ninh Thuận nắng, gió. Nhưng làng nghề còn có một ý nghĩa lớn hơn vì sản phẩm làm ra luôn mang tính biểu tượng của nền văn hóa đặc sắc địa phương. Về lý thuyết, nhãn hiệu tập thể làng nghề là tiềm năng, là cơ sở để tạo đà cho sự phát triển làng nghề trong tương lai. Tuy nhiên trong thực tế giá trị các nhãn hiệu trên chưa được 2 làng nghề khai thác hiệu quả. Vậy đâu là nguyên nhân?

Đến làng gốm Bàu Trúc tìm hiểu, chúng tôi được biết nhãn hiệu tập thể làng nghề được đăng ký bảo hộ độc quyền qua đại diện là Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc. HTX hiện có 23 xã viên và đang chuẩn bị đại hội bất thường để bầu ban lãnh đạo mới. Nhìn ở mặt tổ chức, có thể thấy rõ sự bất ổn định của HTX từ ngày thành lập đến nay, trong 2 năm mà nhân sự Ban quản lý luôn biến động và xã viên luôn nghi ngờ về tính minh bạch trong quản lý vốn. Thực trạng đó dẫn đến sự thả lỏng vai trò định hướng của HTX trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể làng nghề gốm Bàu Trúc. Anh Vạn Quan Phú Đoan, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Chăm-pa, đồng thời là Phó Chủ nhiệm HTX gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: Đặc điểm của gốm là không có quy trình chuẩn, có người trộn đất kiểu này, có người nung lửa kiểu khác, nhưng điều làm tôi thấy lo nhất là do đặt nặng vấn đề kinh doanh, kiếm lãi, không ít người đã bày bán mặt hàng gốm làm dối, kém chất lượng, bất chấp sự thiệt hại về uy tín chung của làng nghề. Thực vậy, nếu quan sát kỹ có thể nhận ra hình thức kinh doanh manh mún, tự phát của các cơ sở gốm trong làng, mỗi khi có đoàn xe chở khách vào là tranh nhau mời mọc, chẳng có chút dấu hiệu nào của làng nghề có tổ chức. Du khách đến đây thường có ấn tượng trước gốm Chăm mộc mạc, không có màu sắc và không cần nước men, nhưng kèm theo đó là nỗi tiếc nuối trước cách làm du lịch làng nghề thiếu tính chuyên nghiệp.

Anh Vạn Quan Phú Đoan, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Chăm-pa,
người luôn tâm huyết với việc quảng bá sản phẩm gốm Bàu Trúc.
Trên cơ sở nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ độc quyền, các HTX cần tiếp tục quảng bá thương hiệu gốm “Bàu Trúc”, thổ cẩm “Mỹ Nghiệp” và đầu tư nâng cao chất lượng cho sản phẩm, đặc biệt là phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trong việc mở tour đến tham quan, mua sắm ở làng nghề.

Làng nghề dệt truyền thống dân tộc Chăm Mỹ Nghiệp vào những ngày này rất thưa du khách, vẻ đìu hiu càng lộ rõ hơn khi chúng tôi ghé vào khu vực trưng bày sản phẩm của HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Là tổ chức đại diện quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mỹ Nghiệp” cho sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm, được bảo hộ độc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ kể từ cuối năm 2012, nhưng đến thời điểm này HTX chưa lần nào sử dụng đến nhãn hiệu tập thể trên. Lý giải vấn đề này, ông Hàm Minh Thiện, Chủ nhiệm HTX nói: Chúng tôi rất lúng túng, không biết logo của nhãn hiệu phải đặt làm thế nào cho tiện gắn lên sản phẩm, nghe nói sản phẩm nho dán tem, không hiểu hàng thổ cẩm có làm vậy được không? HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp có 73 xã viên, tiêu chuẩn để được sử dụng nhãn hiệu tập thể trước hết phải là xã viên và tiếp đó hàng thổ cẩm phải là hàng dệt thủ công truyền thống. Thế nhưng với trên 20 cơ sở lớn dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp, đã có 10 cơ sở trang bị máy dệt. Đáng lo có không ít trường hợp sử dụng nguyên liệu chất lượng thấp (sợi, nếp lót) để bán giá hết sức rẻ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số vùng Tây nguyên. Điều này đang đe dọa đến sự bất tín nhiệm của khách hàng đối với thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp.

Ai cũng biết các làng nghề và các nghề thủ công truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh ta. Cho nên thực trạng sử dụng nhãn hiệu tập thể được bảo hộ độc quyền của 2 làng nghề gốm và thổ cẩm trên đã cho thấy sự lãng phí rất lớn. Từ thực tiễn diễn ra, có thể thấy đã đến lúc ngành chức năng vào cuộc, củng cố và bổ sung nhân sự đủ năng lực điều hành HTX nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, cấp phát sử dụng nhãn hiệu tập thể theo đúng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể làng nghề.