KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH

Thẩm phán và phiên toà tuyên án tử hình

(NTO) Tôi đã từng dự nhiều phiên tòa do thẩm phán Trương Thành Quang làm chủ tọa, từ những vụ án có tính chất đơn giản đến phức tạp, bao giờ tôi cũng cảm nhận được thái độ nghiêm khắc, sắc lạnh từ ông. Âu cũng là để thực thi sự nghiêm minh của pháp luật.

Thế nhưng vào ngày 12-8-2008, khi ông đảm nhận vai trò chủ tọa phiên tòa xét xử vụ Văn Đình Hiếu, 23 tuổi, thủ phạm giết chết bà ngoại thứ, làm hai người khác trọng thương và cướp tài sản tại xã An Hải, huyện Ninh Phước thì khác. Với tội ác dã man, bị cáo Hiếu phải đền tội là xứng đáng, nhưng với một quan tòa từng trải như Thẩm phán Trương Thành Quang, khi tuyên án tử hình bị cáo Hiếu, tôi phần nào cảm nhận được sự chùng xuống trong từng lời tuyên án và sự thương cảm đối với một tử tù đáng tuổi con cháu mình. Chuyện cách đây đã 5 năm có lẻ...

Thẩm phán Trương Thành Quang chủ toạ phiên toà xét xử Văn Đình Hiếu.

Tội ác không thể dung tha

Văn Đình Hiếu sinh ra và lớn lên ở đất Huế. Vùng đất sông núi hữu tình sinh ra những con người hiền lành chịu thương, chịu khó nhưng với Hiếu hoàn toàn ngược lại. Ở tuổi 23, lẽ ra Hiếu là lao động chính giúp đỡ gia đình, nuôi sống bản thân nhưng Hiếu lại lao vào đam mê cờ bạc, cá cược bóng đá để lại kết cục cay đắng, chua xót cho gia đình, người thân và đánh mất mạng sống của chính mình. Tài sản duy nhất của gia đình là chiếc xe máy cũng bị Hiếu nướng vào những canh bạc. Và con đường cuối cùng là vay tiền của xã hội đen hòng gỡ gạc nhưng chỉ thua và thua, sau đó là sự truy lùng gắt gao của chủ nợ giang hồ. Trước tình cảnh đó, Hiếu nghĩ ngay đến bà ngoại thứ ở Ninh Phước, Ninh Thuận. Đã từng sinh sống ở đây 2 năm và được bà ngoại thứ nuôi ăn học nên Hiếu rất thông thuộc đường sá và cả quy luật sinh hoạt, làm ăn của gia đình bà ngoại thứ. Hiếu chuẩn bị khá chu đáo cho cuộc Nam tiến kiếm tiền trả nợ.

Làng quê thôn Long Bình vốn yên ả bấy lâu, nay bỗng hoang mang, chấn động bởi vụ án mạng thương tâm xảy ra vào đầu giờ chiều ngày 8-4-2008. Hiện trường vụ án là gia đình nhà ông T., ở thôn Long Bình 2. Vợ chồng ông T. bị sát hại một cách dã man. Bà C., vợ ông T chết trên đường đưa đi cấp cứu. Ông T. nằm bất động cạnh vợ và được đưa đi cấp cứu. Chỉ có chị giúp việc là may mắn thoát nạn. Hung thủ được xác định là đứa cháu họ của vợ chồng ông T., mới từ Huế vào. Do ngỏ lời mượn tiền ông bà ngoại thứ mà không được chấp nhận, Hiếu lộ nguyên hình là một tên khát tiền đã lao vào dùng dao đâm vợ chồng ông T., bà C. để cướp tiền. Tuy nhiên, khi thấy tiền văng tung toé khắp nhà vấy đầy máu, Hiếu hoảng sợ bỏ trốn khỏi hiện trường mà không đủ can đảm lấy đi dù chỉ một tờ. Sau vài ngày lẩn trốn ở quê, Hiếu đã sa lưới. Với tội ác tày đình, Văn Đình Hiếu buộc phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Nặng lòng khi tuyên án tử hình kẻ đôi mươi

Phiên xử sơ thẩm tên tội đồ Văn Đình Hiếu thu hút đông đảo người dân tỉnh Ninh Thuận. Thẩm phán Trương Thành Quang ngồi ở vị trí chủ tọa phiên tòa. Bên dưới đã có tiếng xì xầm “Ông này xử được đây, ổng nghiêm khắc lắm. Nhìn mắt ổng thấy sợ rồi”. Âu cũng là sự tin tưởng không chỉ của gia đình bị hại mà còn là của người dân vào một phiên toà đúng người, đúng tội. Chồng hồ sơ dày cộp của Văn Đình Hiếu chắc rằng đã được ông nghiên cứu khá kỹ mà có lẻ cũng không tìm ra được chi tiết nào để biện minh cho hành động man rợ mà Hiếu đã gây ra. Trước tòa, từng câu hỏi ông đặt ra, từng câu trả lời của bị cáo Hiếu là từng nhát cắt đớn đau cho gia đình người bị hại, người tham dự và nhất là đối với vị chủ tọa Trương Thành Quang. Hơn ai hết, ông hiểu rằng nhiệm vụ của ông không chỉ dừng lại ở tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật mà còn phần nào đó xoa dịu nỗi đau của gia đình bị hại và chia sẻ lỗi lầm của bị cáo. Nhưng tại phiên tòa này, dù muốn dù không thì trước tội ác tày đình của Hiếu, ông dù có muốn chia sẻ cũng chỉ là những nỗi niềm ông dấu kín trong lòng.

Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Hiếu luôn ngước mặt lên trần nhà, cắn mạnh môi đến rướm máu, lấy hết can đảm để chờ đợi sự phán quyết của quan tòa. Trong giờ phút căng thẳng đến nghẹt thở ấy, ông chỉ biết động viên bị cáo nên bình tĩnh. Cả khán phòng như lặng đi. Vẫn gương mặt cương trực, vẫn giọng nói to, rõ ràng đanh thép, nhưng vẫn không giấu được sự thương cảm khi tuyên án tử hình đối với bị cáo chỉ ở tuổi đôi mươi đáng tuổi con cháu mình. Văn Đình Hiếu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Và dường như, đối với một vị quan toà từng trải như ông, điều này đồng nghĩa với việc Hiếu đã nhận ra lỗi lầm và khát khao sự sống đến mong manh. Song, cái mà người đời gọi “quay lại là bờ”, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” bây giờ đã là vô nghĩa bởi tội lỗi mà Hiếu gây ra quá dã man, không còn nhân tính. Giá có thể được ông sẽ cho hắn một con đường sống để làm lại cuộc đời, bởi hắn còn quá trẻ, ông tiếc cho hắn, thương cho người đã sinh ra và nuôi dưỡng hắn. Nhưng nét mặt lạnh lùng, ráo hoảnh khi kể lại tội ác mà mình gây ra của Văn Đình Hiếu khiến ông bất lực.

Khi bản án tử hình được tuyên, Văn Đình Hiếu ngất xỉu. Bất giác tôi nhìn thấy ông cúi mắt vào chồng hồ sơ trước mặt một cách vô nghĩa. Và rất nhanh ông ngẩng lên tuyên bố kết thúc phiên tòa. Hẳn khi quay lưng bước đi, trong lòng ông ngổn ngang suy nghĩ. Chí ít thì ông cũng cảm thấy mình vừa làm một việc khó khăn nhất là tuyên án kết thúc đời một con người.

Tôi đã tham dự rất nhiều phiên tòa, mỗi một phiên tòa, mỗi một vụ án đều để lại trong tôi những suy nghĩ nhất định và trên hết là niềm tin vào sự công minh, nghiêm khắc của pháp luật, là sự đồng cảm với người bị hại. Nhưng chưa bao giờ bản thân tôi cảm nhận được sự đau đớn của vị quan tòa khi phải tuyên án tử hình kẻ phạm tội.