Nỗi niềm vùng đất nhiễm mặn Phước Minh

(NTO) Những cơn gió cuối tháng 2 đã không "đủ nước" làm dịu không khí khô nóng trên vùng đất xã Phước Minh (Thuận Nam) đang nhiễm mặn.

Đến đây vào dịp này, tận mắt nhìn thấy những cánh đồng khô vàng cỏ cháy, những giếng nước bỏ hoang, chúng tôi hiểu đồng muối Quán Thẻ đang thực sự gây tác động nguy hại đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Đồng chí Trần Mạnh Cương, Chủ tịch UBND xã Phước Minh nói với chúng tôi bằng giọng lo lắng: "Đời sống người dân ở đây phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nay đất nhiễm mặn không gieo trồng được nên đang gặp nhiều khó khăn".

 
Những thân cây chết khô trong vườn bà Nguyễn Thị Nhị, minh chứng cho sự hủy diệt cây trồng.

Trong khi thông tin về muối được mùa, đạt sản lượng cao đang làm cho các doanh nghiệp phấn khởi thì người dân Phước Minh tiếp tục sống trong lo âu từ hậu quả của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long. Thực ra, so với thời gian trước, nhờ sự nỗ lực của tỉnh, tình hình khiếu kiện, bức xúc của người dân địa phương đã lắng xuống song vẫn còn đó nhiều vấn đề tiềm ẩn. Anh Phạm Văn Bình, Trưởng thôn Quán Thẻ 3 cho biết: “Thôn chúng tôi có 230 hộ dân có đất nhiễm mặn đã được hỗ trợ vật kiến trúc, cây trồng, 16 hộ dân có đất bị thu hồi cũng đã đền bù được 50%, đến nay về cơ bản doanh nghiệp đã giải quyết xong cho bà con”. Tính chung, vào cuối năm ngoái trên toàn xã đã có 1.067 hộ được hỗ trợ thiệt hại về cây trồng, vật kiến trúc, đất ở với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng. Tuy nhiên việc khắc phục nhiễm mặn của Công ty nói trên chỉ mới dừng lại ở việc nạo vét một số đoạn kênh mương, hạn chế thẩm thấu nước mặn và khơi thông các nơi nước đọng. Động tác này đã không rửa được mặn trên diện tích đất nông nghiệp khoảng 1.000 ha của Phước Minh nằm giáp những cánh đồng muối, trong đó chịu đựng nặng nề nhất là 2 điểm "nóng": Khu vực Trạm bơm số 9 thôn Lạc Tiến và khu vực thôn Quán Thẻ 1.

Có đất mà không trồng trọt được, chăn nuôi cừu khó khăn vì đồng cỏ thu hẹp, người dân phải tìm cách khác mưu sinh, thường là đi làm phụ hồ, công nhân các công trình, nhiều gia đình đóng hẳn cửa, kéo đi nơi khác làm ăn thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Không biết bao giờ vùng đất Phước Minh này mới trở lại như trước thời có muối Quán Thẻ.
Đồng chí Nguyễn Công Ngụ, Bí thư chi bộ thôn Quán Thẻ 1

Trạm bơm số 9 là công trình bơm nước mặn xây dựng ở độ cao, do thiết kế chưa phù hợp nên nước mặn thấm vào đất gây nhiễm mặn cho khoảng 200 ha đất nông nghiệp của thôn Lạc Tiến. Để rõ hơn về tình trạng đáng lo ngại của người dân ở vùng đất nhiễm mặn, chúng tôi đã có mặt tại thôn Quán Thẻ 1, nơi có nhiều ngôi nhà bị muối ăn mục tường, mái tôn rỉ sét và mặt đất trắng màu muối. Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó trưởng thôn Quán Thẻ 1 chia sẻ: “Nhận hỗ trợ xong, cũng là lúc nhà cửa, vật kiến trúc trên đất tôi tiếp tục mục nát, đáng nói là gạch xây móng bong tróc, với mức hỗ trợ ấy tôi không thể xây lại móng mới”. Theo hướng dẫn của ông Nguyễn Công Ngụ, Bí thư chi bộ thôn Quán Thẻ 1, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều người dân ở các Tổ 3, 4, 5, nơi có 120 hộ nằm trong kế hoạch di dời tái định cư, trong đó có 60 hộ thuộc Tổ 4, 5 được coi là bị thiệt hại nặng nhất. Anh Nguyễn Thành Luân, cư dân Tổ 4, có khuôn viên đất rộng 800 m2 trước đây trồng cây ăn trái, nay là vùng đất trống nổi trắng muối. Chỉ vào vách ngôi nhà diện tích 120m2, anh dùng tay khều bột gạch rơi xuống và than thở: “Nhà bây giờ không còn gì nữa nhưng gia đình không dám sửa sang vì sợ sẽ không được đền bù nếu tiếp tục mục nát. Ở đây mọi người đều băn khoăn chưa biết đi hay ở, nghe nói di dời mà sao cứ chờ hoài chẳng thấy”. Cách đó không xa, nhà bà Nguyễn Thị Nhị cũng trong tình trạng tương tự, sân lát đá trước nhà cứ nổi muối trắng và ở sân vườn nay trơ trụi cây cứ đào xuống chừng 10 phân là thấy nước muối rỉ ra. Ở nhà chị Lê Thị Thương, chúng tôi cũng chứng kiến lớp muối trắng bám trên vách tường hơn 1 mét tính từ chân móng.

 
Muối đọng trắng trên vách tường nhà chị Lê Thị Thương, cư dân Tổ 4.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Nước và môi trường Bình Minh về kết quả quan trắc xác định tỷ lệ nhiễm mặn, khu vực 1 (phía Nam thôn Quán Thẻ 1) đất đã bị nhiễm mặn trung bình đến mặn muối (mức mặn cao nhất) và độ mặn nước mặt đã vượt từ 36,2 đến 42,7 lần Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu. Các khu vực phía Tây và phía Bắc thôn cũng đều nhiễm mặn tương tự, đáng nói là độ mặn nước ngầm ở khu vực 3 (phía Bắc thôn) đã vượt từ 40,7 đến 71,4 lần Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ngầm. Điều này có nghĩa là toàn bộ đất và nước ngầm, nước mặt thôn Quán Thẻ 1 đều nhiễm mặn nặng. Trong thực tế vì bị nhiễm mặn, toàn xã Phước Minh đã không còn giếng nước nào sử dụng và không còn cây trồng nào được canh tác.

Báo cáo quan trắc trên sẽ là cơ sở để tỉnh làm việc với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long nhằm xác định đúng thực trạng, dự báo diễn biến nhiễm mặn của đồng muối đến các khu vực xung quanh và đề xuất các biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nhiễm mặn. Tuy nhiên từ khi có báo cáo trên đến nay, thực tế vấn đề nhiễm mặn đất, nước mặt, nước ngầm tại khu vực đồng muối Quán Thẻ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Giải quyết hậu quả này là chuyện lâu dài, trong khi chờ đợi, người dân Phước Minh tiếp tục sống trong thấp thỏm lo âu và chịu đựng tác động từ môi trường sống đang ngày một xấu đi.