Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông: Triển khai thực hiện nhiệm vụ Hợp phần 3 và hướng dẫn Sổ tay Quỹ phát triển cộng đồng

(NTO) Ngày 26-2, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ Hợp phần 3 và hướng dẫn Sổ tay Quỹ phát triển cộng đồng (CDF). Đồng chí Trần Xuân Hoà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của PCU, trong quá trình thực hiện Hợp phần 3 có nhiều khó khăn, nhưng được sự lãnh chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Ban Chỉ đạo Dự án, sự quan tâm hướng dẫn của PCU, DASU (Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện) nên các địa phương đã triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động theo kế hoạch đề ra, chất lượng và hiệu quả công tác từng bước được nâng lên và có sự tiến bộ đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, so với kế hoạch và tiến độ thực hiện vẫn còn một số khó khăn nên dự án triển khai còn chậm.

Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Lãnh đạo PCU báo cáo tình hình thực hiện hợp phần 3

Để đảm bảo triển khai, thực hiện đạt hiệu quả cao về Kế hoạch công tác và ngân sách năm 2014, trên cơ sở khuyến nghị trong báo cáo giám sát thường niên của Đoàn giám sát đánh giá của IFAD (Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế), PCU tỉnh tiến hành soạn thảo điều chỉnh, sửa đổi lại sổ tay CDF được IFAD thông qua và được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 18-2-2014. Theo đó tập trung vào hướng dẫn tổ chức thực hiện, quản lý CDF ở từng cấp; về công tác đầu tư cho các chuỗi giá trị trong MOP-SEDP (lập kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội) và công tác khuyến khích người nghèo tham gia vào tổ nhóm cùng sở thích...

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đánh giá cao sự cố gắng đẩy nhanh tiến độ của PCU tỉnh và kết quả đạt được qua thực hiện Hợp phần 3 của các xã vùng dự án. Đối với nhiệm vụ năm nay, đồng chí lưu ý việc xây dựng MOP-SEDP phải bắt đầu từ thôn, tổ nhóm đồng sở thích và căn cứ vào chuỗi giá trị đã được xác định. Khi xây dựng MOP-SEDP cần có tham vấn các ngành chuyên môn tỉnh, huyện về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trong phát triển chuỗi giá trị, điều quan trọng là kết nối với các doanh nghiệp đầu tư nhằm giúp người dân có thêm kinh nghiệm về nâng chất lượng sản phẩm làm ra, hướng đến xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.