Cần quản lý chặt chẽ các điểm giết mổ và mua bán gia cầm trong tỉnh

(NTO) Dịch cúm A (H5N1) đang có nguy cơ bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước. Để chủ động phòng, chống dịch lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, tình trạng giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra tràn lan.

Thờ ơ trước những lời khuyến cáo

Thờ ơ, thiếu cảnh giác trước thông tin dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát và gây tử vong cho người. Ở các chợ trong địa bàn thành phố như chợ Đô Vinh, chợ Tháp Chàm… tình trạng giết mổ và mua bán gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra. Điều đáng đề cập là hầu hết các điểm giết mổ và kinh doanh gần như chưa quan tâm đến công tác vệ sinh phòng dịch. Tại chợ Đô Vinh, khu giết mổ thực chất ở ngay một góc của chợ, không bảo đảm vệ sinh; người bán hàng là người trực tiếp giết mổ, lại không sử dụng khẩu trang, găng tay, còn người mua hàng thì vẫn mua theo thói quen và gần như không để ý tới nguồn gốc, xuất xứ. Một khách hàng ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Rất khó để biết đâu là gà bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn nên tôi chỉ mua ở chỗ quen và tin vào người bán hàng.

Không riêng gì ở các chợ trong thành phố, từ trước tới nay, chợ nông thôn vẫn là điểm buôn bán của những người nuôi gia cầm nhỏ, lẻ. Với tâm lý tin tưởng vào lời thuyết phục của người bán hàng là “gà nhà nuôi chứ không phải gà nhập từ chỗ khác” nên người đi chợ hầu hết là chủ quan, không mấy đề phòng hoặc thậm chí là “tặc lưỡi cho qua”. Điều đáng nói là các hộ nuôi gia cầm nhỏ, lẻ lại rất ít khi tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm, đặc biệt là với nhiều hộ nuôi gà, vịt để đẻ trứng bởi tâm lý lo sợ là gà, vịt sẽ đẻ giảm trứng đi khá nhiều trong một khoảng thời gian sau tiêm. Chỉ tới khi có dấu hiệu của bệnh dịch, các chủ chăn nuôi mới bắt đầu tiêm phòng cho đàn gia cầm, đồng thời mang ra chợ “bán gấp” những con gia cầm bị bệnh, và tất nhiên là ai cũng “giấu bệnh” của chúng trước khách hàng.

Khó khăn  trong công tác quản lý

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 1 điểm giết mổ tập trung và 55 điểm giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) nhỏ, lẻ có đăng ký kinh doanh. Điểm giết mổ tập trung được đặt ở xã Thành Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) một ngày xuất ra từ 300 đến 400 con gia cầm đã qua giết mổ. Số gà này đều đã qua kiểm dịch và được bán chủ yếu tại 2 chợ là Phan Rang và Thanh Sơn. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh ta cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch cho người dân; đồng thời tích cực kiểm tra các cơ sở, điểm giết mổ, đặc biệt là với các loại gia cầm được nhập từ nơi khác tới. Ngoài ra, một “Tổ kiểm dịch động vật lưu động liên ngành” đã được lập ra. Đó là sự phối hợp của phía cơ quan thú y, quản lý thị trường và cảnh sát giao thông nhằm tuần tra, phát hiện và xử lý những đối tượng vận chuyển GSGC trái phép trên tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27.

Tuy vậy, các điểm giết mổ nhỏ, lẻ tại các hộ gia đình hay các chợ ở tuyến xã, huyện, thậm chí là các chợ ngay trong thành phố hoạt động ngày một tăng, dẫn đến việc quản lý trở nên khó khăn và tiềm ẩn dịch bệnh là rất cao. Anh Trần Ngọc Bích, Trưởng phòng Kiểm dịch Động vật-Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Ở cấp xã, rất thiếu cán bộ chuyên trách về thú y, trong khi đó, ở Chi cục Thú y thì lực lượng mỏng nên chỉ tập trung kiểm tra ở những địa bàn thành phố, thị trấn. Các địa phương cần triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung phù hợp để thuận lợi hơn trong công tác quản lý.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, trên địa bàn thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) xảy ra ổ dịch cúm gia cầm tại một hộ chăn nuôi. Dịch hoàn toàn có nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng vẫn ngang nhiên giết mổ hoặc mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Các cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, kiểm dịch các cơ sở giết mổ và mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe của người dân.