MANG XUÂN ĐẤT LIỀN ĐẾN TRƯỜNG SA:

Bệnh xá nơi đảo xa

(NTO) Với trang thiết bị tương đương một bệnh viện tuyến huyện và đội ngũ y, bác sỹ giỏi chuyên môn, nhiệt tình trong công tác, Bệnh xá đảo Trường Sa đã trở thành địa chỉ tin cậy của quân, dân huyện đảo và ngư dân đánh bắt trên biển.

Bệnh xá hiện có cơ bản đầy đủ các thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh như máy chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu, điện tim,… Ngoài ra, đơn vị còn có hệ thống chẩn đoán trực tuyến qua vệ tinh (Telecom Medicine), kết nối với các Bệnh viện 175, 108, 103 sẵn sàng hỗ trợ cho những ca khó. Trong năm 2013, bệnh xá đã thực hiện 18 ca phẫu thuật, chủ yếu là viêm ruột thừa, chấn thương,... Ngoài ra, công tác khám, chữa bệnh cũng được thực hiện thường xuyên, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo và ngư dân hoạt động trên biển khi có yêu cầu. Chị Võ Thị Thu Sai, một cư dân trên đảo cho hay: “Các bác sỹ ở đây chăm sóc tận tình cho mọi người nên ai cũng yên tâm. Hai cháu nhỏ nhà tôi thỉnh thoảng cũng bị cảm sốt, được các anh điều trị kỹ càng lắm.”

Bác sỹ bệnh xá đảo Trường Sa khám bệnh cho các chiến sỹ.

Đầu tháng 10-2013, bệnh xá đã tiếp nhận một ca nhiễm trùng uốn ván nặng. Bệnh nhân là anh Bùi Tấn Việt, 41 tuổi, một ngư dân của tàu cá tỉnh Bình Định. Trước đó hơn 1 tháng, anh Việt giẫm phải đinh, nhưng thấy vết thương lành nên chủ quan, đến khi đi biển thì phát bệnh. Tàu đến đảo Trường Sa nhờ ứng cứu lúc 23h30 phút, anh Việt đã co cứng cơ toàn thân. Đại úy – Bác sỹ, Thạc sỹ Lê Minh Phong, Trưởng bệnh xá nhớ lại: “Đây là một ca rất khó, tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, ở đất liền cũng hiếm có trường hợp qua khỏi. Thời điểm đó, chúng tôi không đủ thuốc an thần liều mạnh và thuốc trung hòa độc tố uốn ván nhưng anh em đã tìm cách hỗ trợ hô hấp và sử sụng các thuốc làm giãn cơ và kháng sinh. Sau 2 ngày “chiến đấu”, anh Việt đã có thể nói được, ăn cháo được, ai cũng mừng. Khi tình trạng bệnh ổn định hơn, anh được chuyển vào Bệnh viện 175 (TP.Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị.”

Khi điều trị tại bệnh xá, người bệnh không phải trả bất kỳ một khoản phí nào, mà ngược lại còn đảm bảo cả điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho bệnh nhân và người thân chăm sóc. Trong rất nhiều trường hợp, ngư dân bị nạn được chính các y, bác sỹ chăm sóc như người thân. Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Đội ngũ y, bác sỹ trên Bệnh xá đảo Trường Sa không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà y đức và tình cảm với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ cũng rất dạt dào. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân là ngư dân của các tàu cá, các anh vừa là bác sỹ cũng vừa là người thân chăm sóc, san sẻ khẩu phần ăn và những đồ dùng cá nhân khác.

Bác sỹ Phong không giấu được xúc động khi kể lại một kỷ niệm trong quá trình công tác tại đảo: Sau một tai nạn chìm tàu, các thuyền viên được cứu sống, trong đó có 2 người bị thương nên được đưa vào đảo điều trị. Vết thương không nghiêm trọng lắm nhưng nhìn vẻ mặt vừa buồn, vừa sợ hãi của họ, anh em không cầm được nước mắt. Sau tai nạn họ gần như chẳng còn gì ngoài tấm thân gió sương. Anh em trong đơn vị và cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã chăm sóc, hỗ trợ quần áo, đồ dùng cá nhân cho các anh.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, bên cạnh tình cảm gắn bó giữa những con người cùng chung ý chí bám biển, giữ chủ quyền của Tổ quốc, còn có thêm một sự đảm bảo bằng chính năng lực và điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng hiện đại, đầy đủ hơn. Chính điều này càng khiến những y, bác sỹ ở Bệnh xá đảo Trường Sa được yêu quý, tin tưởng. Với các anh, đó vừa là phần thưởng, vừa là động lực để các anh tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ ở đảo Trường Sa thân yêu.

(Gửi về từ Trường Sa)