Xây dựng đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên”

(NTO) Mục tiêu của ngành Y tế tỉnh ta trong năm mới 2014 là tạo bước đột phá về chuyên môn, không ngừng nâng cao y đức, đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh là cơ sở chuyên khoa khám và điều trị các bệnh về mắt cho nhân dân trong tỉnh. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm đón hơn 300 lượt bệnh nhân. Bà Võ Thị Mạnh, thôn An Thạnh 2, xã An Hải (Ninh Phước), một bệnh nhân, cho hay: Mắt phải của tôi bị đau và mờ dần, không nhìn thấy gì nữa. Tôi đi khám và bác sĩ nói tôi bị cườm, phải mổ mới sáng mắt lại được. Nhưng điều kiện khó khăn, tôi chưa có đủ tiền điều trị. Trung tâm đã lưu lại hồ sơ và mấy tháng sau có đợt mổ mắt bằng phương pháp mới thực hiện miễn phí cho bệnh nhân nghèo, Trung tâm đã liên lạc với tôi. Tôi thấy các bác sĩ ở đây thật là trách nhiệm với người bệnh.

Mổ nội soi điều trị bướu giáp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Văn Miên

Trường hợp của cháu Nguyễn Hoàng Gia (3 tuổi) ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao kèm co giật. Các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh tay-chân-miệng cấp độ 2, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là khá nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Nhi đã tiến hành các bước điều trị, chăm sóc và theo dõi, cháu Gia dần bình phục và đã xuất viện. Chị Phạm Thị Gái, mẹ của cháu Gia, cho biết: Ở bệnh viện, tôi rất yên tâm vì hằng ngày có bác sĩ kiểm tra và điều trị bệnh tận tình cho cháu. Khu bệnh nhân tay-chân-miệng khá đông, có giường nằm đến 2 cháu. Để các phụ huynh thông cảm với điều kiện khó khăn chung, các bác sĩ ở đây giải thích với thái độ chân tình, cởi mở. Đó là những chia sẻ của bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh.

Là đơn vị đầu ngành trong công tác KCB, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc. Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Xây dựng đội ngũ cán bộ giàu y đức, vững chuyên môn là mục tiêu mà bệnh viên luôn hướng tới. Để làm điều đó, những năm qua, cán bộ, nhân viên bệnh viện không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ. Mặc dù trang-thiết bị đang trong quá trình bổ sung, công suất giường bệnh luôn vượt 100%, đặc biệt vào cao điểm mùa bệnh, dịch; ngày lễ nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn. . . nhưng chúng tôi xác định phải nỗ lực khắc phục khó khăn, tất cả phải vì sức khỏe của người bệnh.

Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, Sở Y tế đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử ngành Y”; tạo điều kiện để các y, bác sĩ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện xây dựng đường dây nóng, phòng tiếp công dân nhằm tiếp nhận phản ánh từ phía bệnh nhân và người nhà, kịp thời giải quyết, không để ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Nhờ đó, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có nhiều chuyển biến; việc phản ánh hay đơn tố cáo, khiếu nại giảm đáng kể.

Song song với nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của thầy thuốc với bệnh nhân, ngành Y tế còn đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn, từng bước nâng chất lượng KCB tại chỗ. Thông qua các Đề án “Luân phiên cán bộ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới” (Đề án 1816), nhiều kỹ thuật mới trong điều trị được áp dụng từ huyện đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân. Đặc biệt, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh đã giúp đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện tiếp cận và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Hiện nay, bệnh viện đã thực hiện được một số kỹ thuật cao của nhiều chuyên khoa, nhất là lĩnh vực Nhi, Sản khoa và Phẫu thuật chỉnh hình. Mới đây, 44 kỹ thuật điều trị tuyến trung ương được đề nghị Bộ Y tế cho phép thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy sự tiến bộ của ngành Y tế tỉnh, góp phần giúp cho người bệnh có thể điều trị tại chỗ với chi phí thấp và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận: Tại các cơ sở KCB như các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn… đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên phải chịu áp lực từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Để giữ được thái độ bình tĩnh, thân thiện, cách cư xử đúng mực, đòi hỏi người thầy thuốc phải có một quá trình bồi dưỡng, rèn luyện y đức, nhất là đối với những người mới vào nghề. Cùng với nâng cao y đức người thầy thuốc, việc nâng cao chuyên môn, kỹ thuật là yếu tố sống còn của các đơn vị y tế. Vì vậy phong trào học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được các đơn vị chú trọng với lộ trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiệu quả. Trong năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã KCB cho trên 700 nghìn lượt bệnh nhân, điều trị nội trú gần 60 nghìn người. Các bệnh viện đã duy trì tốt việc kiểm tra, giám sát các khoa, phòng; duy trì hoạt động của Hội đồng bệnh nhân; qua đó, không ít cán bộ y tế có tinh thần phục vụ tốt được bệnh nhân khen ngợi.

Vẫn biết rằng, ở đâu đó còn có một bộ phận nhỏ cán bộ y tế có thái độ phục vụ bệnh nhân chưa được chu đáo, niềm nở để người dân phàn nàn. Thế nhưng, bằng nhiều giải pháp, ngành Y tế tỉnh nhà đang nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần củng cố và giữ mãi hình ảnh của người thầy thuốc Việt Nam “vừa hồng, vừa chuyên” trong lòng nhân dân.