Bệnh thủy đậu

(NTO) Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu: là do virus Varicella – Zoster virus (V-Z virus) gây ra. Người là ổ bệnh duy nhất, bệnh lây lan rất mạnh (mức > 90%) cá thể bị nhiễm virus mà chưa có kháng thể sẽ mắc bệnh. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh, tuổi thường mắc là lứa 2 -8 tuổi và tuổi đi học; người lớn cũng có khả năng mắc bệnh và bệnh thường nặng hơn.

Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi dịch hầu họng và nước bọt bắn ra chung quanh, người lành hít phải bị lây bệnh. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ dùng có dính chất tiết dịch hầu họng. Bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác trước 24 giờ đến 7 ngày sau khi xuất hiện bóng nước.

Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu: sau khi tiếp xúc với bệnh nhân khoảng 12– 17 ngày, người bệnh thấy mệt mỏi, sốt nhẹ 38oC – 39oC, khoảng 12 – 36 giờ sau xuất hiện những nốt ban đỏ hình tròn hoặc bầu dục kích thước 5 – 10mm ở vùng đầu, mặt, cổ và lan nhanh xuống ngực, bụng và toàn thân. Họng viêm đỏ và có hạch sau tai. Ngứa toàn thân từ các nốt đậu, sau đó ban đỏ nhanh chóng biến thành những bóng nước trong bám trên bề mặt da, hóa đục sau 24 - 48 giờ. Các nốt đậu mọc trước sau không cùng tuổi ở cùng một diện tích da, lan cả vào niêm mạc miệng, đường hô hấp, tiết niệu làm khó nuốt, thở khó hoặc tiểu khó, nốt đậu càng nhiều thì bệnh càng nặng. Sau 3-5 ngày nốt đậu vỡ ra thải nhiều virus hoặc tự xẹp và đóng vảy đen, vài ngày sau vảy rụng đi và thường không để lại sẹo nếu không bị bội nhiễm.

Biến chứng bệnh thủy đậu: Với những người khỏe mạnh thì bệnh thủy đậu thường diễn tiến lành tính. Những người suy nhược, có hệ miễn dịch suy yếu hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch thì bệnh thủy đậu có thể gây ra những biến chứng thường thấy như viêm da do các loại liên cầu khuẩn và tụ cầu, có thể làm để lại sẹo sâu; viêm phổi là loại biến chứng thường gặp thứ hai, thường trầm trọng với triệu chứng đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu; biến chứng viêm não thì hiếm gặp, xuất hiện từ ngày 5 – 10 sau khi nổi bóng nước và thường thì rất trầm trọng, bệnh nhân sốt cao đột ngột, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê, tử vong khỏang 10% và sống cũng để lại nhiều di chứng. Thủy đậu chu sinh xảy ra ở trẻ sơ sinh nếu mẹ mắc thủy đậu khoảng 5 ngày trước sinh và 48 giờ sau sinh, tử vong trẻ lên đến 30%; thủy đậu bẩm sinh gây dị dạng bào thai ở phụ nữ có thai mắc bệnh thủy đậu, nguy hiểm nhất thai ở tuần 13 -20, đây là biến chứng cần lưu ý nhất. Các biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm cầu thận cấp, viêm gan thì hiếm gặp. Bệnh thủy đậu có thể sẽ gây bệnh Zona hoặc viêm thần kinh cấp gây ra những cơn đau dữ dội về sau.

Cách chăm sóc bệnh thủy đậu tại nhà

- Với trẻ em cần cắt ngắn các móng tay, đeo bao tay cho trẻ khỏi gải làm vỡ bóng nước;

- Tắm bệnh nhân bằng nước ấm hàng ngày để giữ vệ sinh da, giảm ngứa; có thể dùng uống thêm Clopheniramine để giảm ngứa;

- Không nên làm vỡ các nốt đậu, bôi dung dịch Milian lên nốt đậu ngừa bội nhiễm;

- Hạ nhiệt, giảm đau bằng Paracetamol, tuyệt đối không được dùng Aspirine dể gây ra Hội chứng Reye rất nguy hiểm.

- Điều trị theo hướng dẫn của Bác sĩ. Trong quá trình điều trị nếu thấy bệnh nhân ho nhiều, khó thở hoặc mệt nhiều, sốt cao, lơ mơ thì cho nhập viện ngay.