Giáo xứ Tấn Tài: Đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”

(NTO) Giáo xứ Tấn Tài (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) có khoảng 500 hộ, trên 2.000 giáo dân, sống tập trung ở khu phố 3, khu phố 5. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, những năm qua, đời sống bà con giáo dân không ngừng được nâng cao.

Ông Nguyễn Thanh Hiệp, Chủ tịch Mặt trận phường Tấn Tài cho biết: Trước đây, bà con giáo dân Tấn Tài chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Những năm qua, đươc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đường sá được khai thông, mở rộng, nhiều hộ chuyển sang phát triển thương mại- dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nhờ vậy thu nhập ngày càng ổn định, đời sống được cải thiện đáng kể.

 

Đời sống, diện mạo mới ở giáo xứ Tấn Tài.

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hiện có khoảng 15 ha, chủ yếu xâm canh các địa phương khác. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù số hộ duy trì sản xuất nông nghiệp không nhiều, nhưng do bà con biết chuyển đổi cây trồng phù hợp, cụ thể là chuyển dần trồng lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như nho, táo, kết hợp nuôi cừu, bò, dê… nhờ vậy năng suất, giá trị sản phẩm ngày càng nâng cao, hầu hết các hộ nông nghiệp đều là những hộ có kinh tế khá giả.

Trong phát triển thương mại- dịch vụ, hiện có khoảng 50 hộ giáo dân kinh doanh các ngành nghề như: nhà hàng, dịch vụ lưu trú, ngoài ra còn có hơn 20 cơ sở làm cửa sắt, cửa kính... tạo nên diện mạo đô thị mới ngày càng khởi sắc. Một ngành nghề phổ biến trong giáo xứ Tấn Tài đó là nghề nuôi dạy trẻ, tập trung chủ yếu ở khu phố 3. Theo thống kê, hiện khu phố có 2 trường mầm non tư thục, 12 lớp mầm non, nhóm trẻ gia đình do các Sơ và hộ giáo dân làm chủ. Các cơ sở đều thực hiện nghiêm các quy định, phương pháp nuôi dạy trẻ ở bậc học mầm non của ngành giáo dục, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm… nên ngày càng thu hút được nhiều huynh đến gởi trẻ, đồng thời còn tạo việc làm cho hơn 100 lao động ở địa phương. Đặc biệt, từ khi Trường Dân lập Nghề Tấn Tài đi vào hoạt động, đã thu hút nhiều thanh niên địa phương tham gia học các nghề như thêu, ren, đính cườm… Sau các khóa học, các em được nhà trường giữ lại hợp đồng gia công sản phẩm, vì vậy, hầu hết con em giáo dân đều có công ăn việc làm, không chỉ tự nuôi sống được bản thân, mà còn góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Hiện nay, tỷ lệ hộ giàu trong giáo xứ chiếm khoảng 15%; 35% hộ khá. Hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 8 hộ. 100% tuyến đường khu phố đã được bê-tông hóa, có đèn điện chiếu sáng, chất lượng đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.

Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình, bà con giáo dân còn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua các buổi sinh hoạt lễ ở nhà thờ, linh mục quản xứ còn vận động giáo dân tích cực bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội nơi cư trú, đặc biệt tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện thể hiện tinh thần đoàn kết, sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Năm 2013, từ các nguồn hỗ trợ, giáo xứ đã hỗ trợ 75 suất quà, 480 kg gạo cho giáo dân có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn quỹ Vì người nghèo, phường Tấn Tài còn hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 2 hộ gia đình giáo dân nghèo, với kinh phí 10 triệu đồng. Chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện xây dựng 1 cơ sở bảo trợ xã hội, đến nay đã nhận nuôi dạy khoảng 40 trẻ em khuyết tật bẩm sinh. Kinh phí nuôi dạy các bé đều được các Sơ huy động từ các nhà hảo tâm hỗ trợ…