Chợ phiên Phước Tiến

(NTO) Mở ra cách nhìn mới về thị trường, hướng dẫn sử dụng đơn vị đo lường, bàn cân để buôn bán, nâng cao tính tự chủ trong làm kinh tế; những phiên chợ ở các xã huyện miền núi Bác Ái đã và đang góp phần tạo động lực cho đồng bào Raglai vươn lên phát triển đời sống kinh tế – xã hội.

Với tập tục và thói quen sinh hoạt “tự túc, tự cấp”, không thường mua bán tại chợ mà chỉ qua trao đổi hàng hóa tại những hàng quán và giữa các hộ dân với nhau, nên từ trước tới nay giá trị hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp của bà con Raglai địa bàn huyện Bác Ái sản xuất ra thường không cao. Đôi lúc những mặt hàng có giá trị cao nhưng khi đưa ra buôn bán, trao đổi cũng thường bị tư thương ép giá. Thế nhưng, những chuyện như thế hầu như không còn xảy ra kể từ khi các phiên chợ ở Bác Ái dần hình thành và đi hoạt động.

 
Cảnh trao đổi buôn bán sôi nổi của phiên chợ xã Phước Tiến.

Có dịp đến với “phiên chợ sớm” vào ngày thứ sáu hằng tuần ở xã Phước Tiến, mới thấy rõ sự sôi động, nhộn nhịp trong việc giao thương của bà con nơi đây. Gọi là chợ sớm, bởi theo người dân nơi đây, phiên chợ thường bắt đầu rất sớm và khoảng 9 – 10 giờ là kết thúc. Theo anh Võ Văn Hùng, cán bộ phụ trách quản lý phiên chợ của xã, từ khi được sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích giúp đỡ phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế” do tổ chức Oxfam tài trợ, người dân đã bắt đầu có định hướng về buôn bán, để dành hàng hóa mang ra chợ bán, biết cách tính toán thu chi. “Khi mới bắt đầu tổ chức họp chợ, định kỳ mỗi tháng chỉ 1 lần, qua các phiên chợ các hộ đồng bào tại địa phương tham gia ngày càng nhiều, đặc biệt kể từ khi chợ mới được đầu tư xây dựng khang trang. Từ tháng 2-2013 số lượng hộ đăng ký buôn bán tại chợ đã tăng rõ rệt, đến nay chợ đã lên được 4 phiên hàng tháng vào mỗi ngày thứ 6 hằng tuần, với hơn 40 hộ dân đăng ký buôn bán - anh Hùng cho biết thêm.

Chị Chamalea Thị Mếu (thôn Suối Rua, xã Phước Tiến) một trong những hộ đăng ký tham gia buôn bán tại chợ cho biết: Trước đây nếu muốn mua cái gì thì mình chỉ biết mang bắp, mang gà ra đổi tại các hàng quán trong làng. Nay địa phương mở chợ mình rất vui, có điều kiện đem hàng hóa ra buôn bán, trao đổi lấy tiền để mua thứ khác. Chung niềm vui với chị Mếu, chị Ka tơ Thị Hớn (thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến) đăng ký tham gia phiên chợ từ tháng 5, hớn hở: Lúc vừa đăng ký buôn bán mình cũng hơi lo, không biết trao đổi giá cả bao nhiêu với khách hàng là vừa. Nhưng sau khi tham gia tập huấn các lớp về kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, bày biện hàng hóa...do xã tổ chức mình đã biết cách làm và tự tin hơn. Sau mỗi phiên chợ mình thu nhập từ 180.000 đến 200.000 đồng. Cũng theo chị Hớn, kể từ ngày tham gia phiên chợ, gia đình chị đã biết đầu tư trồng các loại cây như bí đao, đậu các loại…về trồng để thu hoạch đem bán mỗi khi họp chợ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để cho các hộ dân đồng bào Raglai dần nắm bắt thuần thục những kỹ năng trong việc giao thương, mỗi phiên chợ, chính quyền xã đều cử cán bộ phụ trách theo dõi chỉ dẫn bà con một cách tận tình. Ngoài ra, để bà con có thêm tự tin trong việc giao tiếp, buôn bán trao đổi với người dân từ các nơi khác đến, địa phương cũng tạo mọi điều kiện, kêu gọi được gần 15 hộ là người Kinh tham gia một số mặt hàng như áo quần, thực phẩm…vào phiên chợ mỗi tuần.

Anh Hoàng Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã Phước Tiến, vui vẻ cho biết, hoạt động của phiên chợ đã và đang tạo được một môi trường hướng dẫn bà con dần làm chủ kinh tế khi tham gia vào “thị trường”, nếu nói đã góp phần giảm nghèo thì thật chưa đúng, nhưng rõ ràng đây là cơ hội rất lớn cho bà con. Cái được nhất của phiên chợ chính là đã giúp bà con nhận thức được ý nghĩa kinh tế trong việc giao thương, từ đó chủ động hơn trong buôn bán, trao đổi.

Có thể nói, những hiệu quả bước đầu qua phiên chợ ở Phước Tiến sẽ là nền tảng để các xã khác trên địa bàn huyện Bác Ái hình thành và mở rộng quy mô hoạt động các phiên chợ ngay chính tại địa phương mình. Nhằm tạo động lực để cho bà con phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp, từ đó góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng cao.