Kiểm soát chất lượng công trình giao thông

Tình trạng xuống cấp nhanh của một số dự án giao thông trọng điểm sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đang khiến dư luận bức xúc. Đảm bảo chất lượng công trình dường như vẫn là bài toán khó đối với ngành giao thông.

Vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết: Cả nước hiện có 26 công trình, dự án giao thông trọng điểm, với tổng kinh phí đầu tư gần 576.500 tỷ đồng. Đến nay, đã có 7 dự án được bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng; 19 công trình đang trong giai đoạn thực hiện, chuẩn bị hoàn thành, khởi công và đầu tư. Tuy nhiên, trong số đó, nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều công trình mặt đường bị bong tróc sau khi đưa vào sử dụng không lâu.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm như: Láng - Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường vành đai III trên cao, mặt cầu Thăng Long vừa sửa chữa… sau khi đưa vào khai thác đã xuất hiện hiện tượng lún, phá vỡ kết cấu mặt đường, nhất là tình trạng hằn lún vệt bánh xe, bong tróc mặt đường, xuất hiện các ổ gà, ổ voi…

Các chuyên gia giao thông lý giải, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do các công trình được xây dựng trên các khu vực có địa chất yếu. Bên cạnh đó, do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, nên việc xử lý nền yếu chưa thực hiện được theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng trên khi đưa công trình vào khai thác, Bộ Giao thông Vận tải đã áp dụng biện pháp “sử dụng mặt đường quá độ”. Cụ thể, đơn vị thi công chưa trải thảm bê tông nhựa ở những đoạn đường đó, chỉ sử dụng kết cấu mặt đường láng nhựa, rồi đưa công trình vào khai thác. Sau khi khai thác một thời gian, công trình hết thời gian lún thì mới thi công kết cấu mặt đường theo đúng thiết kế là bê tông nhựa.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình (Bộ GTVT) Phạm Tuấn Anh cho biết: Trong khoảng 2 năm gần đây, tình trạng hằn lún vết bánh xe xảy ra liên tiếp, rất đáng lo ngại vì hiện tượng này ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian gần đây, tình trạng xe chạy vượt tải diễn ra phổ biến, có xe chở vượt trọng tải gấp 2 lần so với tải trọng thiết kế. Đây là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp nhất khiến cho mặt đường bị bong tróc, nứt và hằn lún vệt bánh xe.

Một nguyên nhân nữa là do chủ đầu tư dự án không kiểm soát được chất lượng nguồn nguyên vật liệu được đưa vào thi công. Thực tế, chúng ta chưa sản xuất được nhựa đường, mà phải nhập khẩu hoàn toàn. Tuy nhiên, do được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, nên chất lượng nhựa đường không đồng nhất, trong khi các chủ đầu tư lại chưa kiểm soát được chất lượng của loại nguyên liệu này.

Công trình xuống cấp, nhà thầu phải sửa

Tại cuộc họp bàn giải pháp quản lý chất lượng các công trình giao thông mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Bộ sẽ quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát khi để xảy ra tình trạng công trình vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Với những công trình xuống cấp nhanh, chủ đầu tự phải bỏ tiền ra sửa chữa, không được thanh toán thêm. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng ban hành quy định số lượng nhà thầu tham gia từng dự án; yêu cầu các chủ đầu tư chỉ thanh toán cho nhà thầu đúng giá trị khối lượng đã thực hiện; kéo dài thời gian bảo hành từ 3 - 5 năm.

Thực tế, vấn đề bảo hành công trình đã được quy định rất rõ trong các văn bản về quản lý chất lượng công trình. Gần đây, Chính phủ ban hành thêm Nghị định số15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình; trong đó quy định rõ thời gian bảo hành công trình tùy vào quy mô và tính chất kỹ thuật của công trình từ 12 - 24 tháng. Trong khoảng thời gian bảo hành công trình, nhà thầu phải giữ lại 3 - 5% số tiền bảo hành để sửa chữa kịp thời những hư hỏng phát sinh trong quá trình khai thác do lỗi của nhà thầu gây ra.

Nguồn Báo tin tức-TTXVN