Một số giải pháp triển khai quản lý tổng hợp đới bờ trên địa bàn tỉnh

(NTO) Quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) là phương thức quản lý nhằm đạt hiệu quả cao trong sử dụng các tài nguyên và giá trị chung tại đới bờ, giảm thiểu tác động có hại đến con người và môi trường, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các ngành, cơ quan và các bên liên quan khác nhau trong khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường vùng ven biển của mỗi địa phương ven biển, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Sự ra đời của chương trình QLTHĐB vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 158) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9-10-2007 đã trở thành một bước tiến lớn trong việc áp dụng QLTHĐB trong sự phát triển kinh tế bền vững của các địa phương ven biển, hướng tới mục tiêu “Tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên, môi trường, phục vụ phát triển bền vững các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thông qua áp dụng phương thức QLTHĐB”.

Vùng biển ven bờ thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Ảnh: Sơn Ngọc

QLTHĐB theo Chương trình 158 của Thủ tướng Chính phủ được giới hạn phạm vi không gian và thời gian cụ thể. Phạm vi không gian được giới hạn phần trên đất liền bao gồm tất cả các quận, huyện, thị xã ven biển của 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), và trên biển: bao gồm vùng biển ven bờ cách bờ 6 hải lý trở vào của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên. Phạm vi về thời gian: chương trình được xây dựng với các nhiệm vụ cho giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng cho giai đoạn tiếp theo 2011 - 2020.

Đối với Ninh Thuận, với đường bờ biển dài hơn 105km, vùng lãnh hải tương đối lớn cùng với những đặc thù về khí hậu, thời tiết và điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội, đã tạo ra cho tỉnh ta nhiều ưu thế về tiềm năng, lợi thế và cơ hội của đới bờ. Đồng thời, đới bờ của chúng ta cũng đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ những mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội, từ các tai biến tự nhiên, điều kiện thủy hải văn của vùng ven biển… Cụ thể, trong những năm gần đây, vùng ven biển của tỉnh ta đang phải đối mặt với vấn đề suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên và môi trường biển, sự gia tăng ô nhiễm trong các cộng đồng dân cư, tình trạng xâm nhập mặn, xâm thực của thủy triều và các tai biến tự nhiên do biến đổi khí hậu… Thực trạng các vấn đề của đới bờ tỉnh ta hoàn toàn phù hợp cho việc triển khai phương thức QLTHĐB, nhằm tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên, môi trường, phục vụ phát triển bền vững.

Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai QLTHĐB tỉnh đến lãnh đạo, đại diện các sở, ngành và các Ban Đảng, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo UBND, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố ven biển; lãnh đạo UBND các xã, phường và thị trấn ven biển của tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức các cấp các ngành, địa phương của tỉnh về khai thác, sử dụng tài nguyên đới bờ và cần thiết phải triển khai mô hình QLTHĐB.

Các nhiệm vụ QLTHĐB chủ yếu được tỉnh thực hiện lồng ghép thông qua việc triển khai xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các chương trình, đề án phát triển KT-XH của tỉnh.

Trong xây dựng cơ bản và phát triển kinh tế vùng ven biển, tỉnh cũng đã triển khai các đề án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp; khu du lịch khách sạn và giải trí phức hợp; khu du lịch đô thị ở vùng ven biển thuộc các huyện và thành phố có biển của tỉnh theo hướng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng ven biển thông qua việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường ven biển, nhằm kịp phục vụ cho việc xây dựng các công trình trọng điểm Quốc gia (2 nhà máy điện hạt nhân) và tạo động lực phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Nhìn chung, trong thời gian qua, với những nỗ lực lồng ghép các chương trình, dự án, thực hiện tốt quan điểm phát triển toàn diện, phát huy lợi thế, phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên và môi trường biển; hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững; các cấp, các ngành đã từng bước triển khai cơ chế QLTHĐB, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường vùng ven biển của tỉnh.

Để đảm bảo triển khai QLTHĐB, thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên, môi trường, phục vụ phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết của các cấp quản lý và cộng đồng về phương thức QLTHĐB cũng như cách tiếp cận đa ngành và tổng hợp trong quản lý đới bờ;

Hai là, triển khai quy chế quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển trên địa bàn tỉnh cũng như các cơ chế điều phối các hoạt động, hợp tác đa ngành trong thực hiện nhiệm vụ QLTHĐB;

Ba là, cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược QLTHĐB tỉnh đến năm 2020 nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích các bên liên quan phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh.

Tin rằng, với các giải pháp trên, phương thức QLTHĐB sẽ được áp dụng một cách hiệu quả trên địa bàn tỉnh, điều phối và lồng ghép tốt các hoạt động của các ngành, các nhóm kinh tế-xã hội khác nhau của đới bờ để được kết quả phát triển tối ưu và lâu dài, giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích trong sử dụng tài nguyên và môi trường, qua đó bảo vệ được môi trường và góp phần thiết thực giảm nhẹ thiên tai.