Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông: Không xã hội hóa nội dung truyền hình

Nhiều vấn đề liên quan đến việc tăng giá cước các mạng viễn thông; an toàn, an ninh thông tin; quản lý tình trạng bán sóng cho các kênh truyền hình… đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son giải trình trước Quốc hội chiều 20/11.

Về an toàn thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay, hiện nay có thể nói an toàn thông tin nói chung và an toàn mạng nói riêng là một thách thức rất lớn của Việt Nam cũng như của tất cả các nước. Việt Nam là một trong những nước có sử dụng công nghệ thông tin phát triển tương đối nhanh ở khu vực, theo thống kê, là nước đứng trong top 20 sử dụng Internet nhiều của thế giới. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin là một thách thức lớn.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn đại biểu. 
(Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng dẫn chứng, trong thời gian vừa qua, nhiều cuộc tấn công trên mạng, tấn công ở hình thức là từ chối dịch vụ (DDoS), dùng các mã độc Botnet để tấn công từ các nước khác đến. Ở Việt Nam đã thấy khoảng 2.600 máy chứa mã độc Botnet. Ngay trong tháng 7 vừa qua, có ba báo: Dân Trí, Tuổi Trẻ, Vietnamnet cũng bị tấn công theo dạng dịch vụ này.

Nêu nguyên nhân, Bộ trưởng giải thích, do những người dùng máy tính của Việt Nam - không phải tất cả đều có trình độ để quản lý và sử dụng máy tính một cách thành thạo, nên máy tính dễ bị nhiễm mã độc: mật khẩu quá đơn giản, dễ bị bẻ khóa mật khẩu; tải những phần mềm, những trò chơi miễn phí trên mạng có chứa mã độc. Hoặc nếu dùng hệ điều hành window, người ta đều có mã khóa, nhưng các hacker của quốc tế đã phá mã khóa và cài vào đó những mã độc và miễn phí cho chúng ta, người dùng tải xuống dẫn đến nhiều máy tính nhiễm mã độc.

Nói về những giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Bộ TT&TT đã ra Thông tư số 27 về quy định điều phối các hoạt động ứng cứu khẩn cấp; đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin chất lượng cao; tích cực triển khai các đề án trọng điểm về an toàn an ninh thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là trong điều kiện lực lượng công nghệ thông tin còn mỏng, trình độ còn hạn chế; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ của các cơ quan và tuyên truyền cho người dân hiểu và cân nhắc khi tải các phần mềm trên mạng xuống…

Giải thích về quản lý tình trạng bán sóng cho các kênh truyền hình; quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình hiện nay liệu có gây lãng phí tốn kém? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thông tin: Bộ TT&TT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 về quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Hiện nay ở nước ta có 67 đài phát thanh truyền hình, 3 đài của trung ương và 64 đài của các địa phương, riêng TP Hồ Chí Minh có 2 đài. Ngoài ra, cả nước có tới 75 kênh phát thanh quảng bá, 103 kênh truyền hình quảng bá, có trên 70 kênh truyền hình trả tiền và trên 70 kênh truyền hình của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Bộ trưởng thừa nhận, lực lượng phát thanh, truyền hình của cả nước tương đối lớn, ngoài trung ương, còn các tỉnh, các huyện có phát thanh và cấp xã cũng có truyền thanh. Đây là lực lượng hùng hậu để thông tin, tuyên truyền cho Đảng và Nhà nước, nhưng vì quá nhiều nên dẫn tới nguồn lực của xã hội bị phân tán. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình nhằm mục đích xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, nhân dân, các doanh nghiệp cùng tham gia việc này nhưng tham gia ở giới hạn nào.

“Có xã hội hóa nhưng chỉ xã hội hóa phần truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình thôi, còn phần nội dung của truyền hình không xã hội hóa. Nội dung truyền hình hoàn toàn do các cơ quan truyền hình làm, trong đó có liên kết một số chương trình truyền hình, nhưng khi phát sóng lên thì cơ quan đài phát thanh và truyền hình đó phải tiếp nhận nội dung liên kết đó đúng theo tôn chỉ của báo chí, đúng theo quy định của nhà nước thì mới được đưa lên phát sóng” – Bộ trưởng giải thích thêm.

Đề cập đến vấn đề an toàn và ảnh hưởng về phơi nhiễm do việc nhiễm sóng của phát thanh truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định các tổ chức quốc tế đã đánh giá không có, đến giờ phút này chưa phát hiện sóng phát thanh truyền hình có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng quan trọng là việc tất cả các cột trạm BTS cũng như cột phát thanh truyền hình mọc ở nhiều nơi, đặc biệt ở những chỗ gây mất mỹ quan, và có thể ảnh hưởng an toàn nhất là những mùa mưa bão.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, tới đây, Bộ TT&TT sẽ xây dựng quy hoạch để bố trí làm sao cho hợp lý hơn và tăng cường hạ tầng dùng chung trong một khu vực, dựng một cột, có nhiều người sẽ dùng chung./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam