Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão Haiyan

(NTO) Ngày 9-11, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão Haiyan tại các huyện Ninh Phước, Thuận Bắc và Thuận Nam.

 
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Ninh Phước
về công tác khắc phục, gia cố chân cầu Mỹ Nghiệp.

Do mưa lớn, kết hợp xả lũ của các hồ đập đã làm sạt lở chân cầu Mỹ Nghiệp và hơn 100 m bờ sông Lu đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Sau khi trực tiếp kiểm tra tình hình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo UBND huyện Ninh Phước tiếp tục huy động lực lượng khẩn trương thi công, gia cố chân cầu Mỹ Nghiệp và bờ kè sông Lu để chống sạt lở, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân, đặc biệt là kịp thời ứng phó với siêu bão Haiyan. Đồng thời, BCH PCLB huyện cũng cần khẩn trương, chủ động triển khai các phương án phòng chống lụt, bão trên toàn huyện. 

Chiều tối ngày 9-11, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng chống siêu bão Haiyan ở 2 huyện Thuận Bắc và Thuận Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh (thứ nhất bên trái ảnh) nghe lãnh đạo huyện Thuận Bắc
báo cáo về công tác phòng chống bão Haiyan

Tại huyện Thuận Bắc, theo báo cáo đến 17 giờ ngày 9-11, tất cả các xã trên địa bàn huyện đã hoàn tất công tác phòng chống siêu bão Haiyan cũng như lũ lụt có thể xảy ra sau bão. UBND huyện chỉ đạo đốn tỉa tất cả các cây cao, cây có khả năng bị ngã đổ, tháo gỡ các pa nô, bảng tuyên truyền để tránh bị gió cuốn bay. UBND các xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão Haiyan, rà soát các phương án tránh bão theo phương châm 4 tại chỗ; thống kê, tổ chức di dời các hộ dân ở những khu vực ven biển Bình Tiên, các hồ Sông Trâu, Sông Sắt… và vùng trũng thấp. Các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện cũng như các xã, cơ quan đều phân công trực 24/24. Đặc biệt, tại các điểm xung yếu, có khả năng bị chia cắt khi xảy ra lũ như ở các xã Phước Kháng, Bắc Phong, Công Hải, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương này chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời các hộ dân, cũng như tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết; tuyên truyền cho người dân sẵn sàng ứng phó với bão lũ. Các địa phương cũng đã rà soát các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, nhà đơn chiếc để cử cán bộ xuống tận nhà giúp dân di dời. Đối với các trường hợp không chịu đi thì buộc phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Phát biểu với lãnh đạo huyện Thuận Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước mắt lãnh đạo địa phương cần khẩn trương thực hiện các biện pháp di dời dân, đặt an toàn tính mạng cho người dân lên hàng đầu. Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai phòng chống bão số 14 và tuyên truyền, thông báo để người dân tiếp tục chủ động phòng tránh, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Tại cảng Cà Ná thuộc địa bàn huyện Thuận Nam, theo báo cáo của lãnh đạo Đồn Biên phòng 420, hiện nay toàn bộ tàu thuyền của 2 xã Cà Ná và Phước Diêm đã được liên lạc và hướng dẫn vào nơi trú báo an toàn. Cụ thể, 2 xã có 867 phương tiện (PT)/6.627 lao động, đã có 561PT/3700 lao động về trú bão, neo đậu tại cảng Cà Ná; 306PT/2927 lao động còn lại, lực lượng đã liên lạc và hướng dẫn trú báo an toàn tại các tỉnh Binh Thuận, Kiên Giang, Sóc Trăng…Đồn Biên 420 cũng đã hướng dẫn cho 171PT/1.021 lao động của các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định Bình Thuận về trú bão, neo đậu an toàn tại cảng Cà Ná. Hiện nay, cùng với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng 420 tuyên truyền vận động bà con chủ động phòng chống bão Haiyan.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh nghe chỉ huy  Bộ đội Biên phòng báo cáo 
công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào trú bão tại cảng Cà Ná

 

Tàu thuyền của ngư dân huyện Thuận Nam  và ngư dân ngoài tỉnh neo đậu tránh bão tại cảng Cà Ná

Phát biểu với lãnh đạo huyện Thuận Nam và Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Thanh  yêu cầu chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nhất là lực lượng Biên phòng xuống giúp dân vùng ven biển, chuẩn bị các phương án sơ tán, di dời dân vùng nguy hiểm vào nới tạm trú tránh bão an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền vững chắc. Đặc biệt, không cho tàu thuyền ra biển, sắp xếp neo đậu, giằng néo liên kết thuyền, các lồng bè nuôi thuỷ sản, kiên quyết không để cho người ở lai trên tàu thuyền, lồng bè để đảm bảo tuyệt đối an toàn khi bão đến.