Đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi gây lãng phí lớn

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu tập trung thảo luận về trách nhiệm người đứng đầu; về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật; về tính khả thi của Dự thảo luật; về các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Đưa ra ý kiến thảo luận, đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đã thẳng thắn chỉ ra hiện nay một số cơ quan không chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ về bổ nhiệm các cấp chức vụ. Đại biểu lấy dẫn chứng, như thứ trưởng hoặc tương đương hay tổng cục phó và tương đương, dưới là viện phó, vụ phó và tương đương quy định 1 bộ là 4 nhưng có Bộ để 5 đến 9, như vậy nếu 9 đồng chí thứ trưởng được bổ nhiệm thì sẽ thêm 5 ô tô, tối thiểu là Camry 2.4 trở lên, rồi thêm 5 lái xe, 5 phòng làm việc rất sang trọng, 5 cán bộ giúp việc, 5 nhà ở hay nhà công vụ.

“Việc này phải được chấp hành rất nghiêm chỉnh, nếu không sẽ gây ra lãng phí rất lớn trong bộ máy; đề nghị có kiểm tra, giám sát và thực hiện đúng kỷ cương” – Đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến sự lãng phí trong bộ máy, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, lãng phí cần tính đến việc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn nhưng lại không đem lại hiệu quả và không đạt mục tiêu thì cũng nên coi là lãng phí. Có ý kiến từng nói rằng, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của Nhà nước hiện tại có khoảng 20 - 30% làm việc không hiệu quả, vì không đủ năng lực và trình độ. Đại biểu chỉ rõ đây là một sự lãng phí.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giao quyết định đầu tư thiếu căn cứ khoa học, không đảm bảo theo quy hoạch đã được phê duyệt hoặc đầu tư thiếu đồng bộ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Đại biểu diễn giải, trong thời gian vừa qua, tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, nhiều công trình xây dựng dở dang không thể đưa vào sử dụng, nhiều dự án bất động sản phơi nắng, phơi mưa đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành trong đó có cả dự án bất động sản dành cho cán bộ cao cấp của nhà nước. Chúng ta vẫn biết rằng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc bất di bất dịch nhưng đồng hành với nguyên tắc này phải là những quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với người phụ trách, người đứng đầu của từng mắt xích công việc và đòi hỏi những người này khi quyết định đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước phải thực sự công tâm, không vì lợi ích nhóm hoặc tư lợi cá nhân. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng ngân sách nhà nước được đầu tư, sử dụng có hiệu quả, hạn chế tối đa sự thất thoát lãng phí.

Từ những phân tích trên, đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 16 của dự thảo luật quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ra quyết định đầu tư thiếu căn cứ khoa học, không bám theo quy hoạch đã được phê duyệt hoặc đầu tư thiếu đồng bộ, không vì mục tiêu phát triển cộng đồng, để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thất thoát lãng phí do quyết định của mình gây ra.

Đề cập đến vấn đề lãng phí trong khai thác tài nguyên, đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) bức xúc nói: "Ta khai thác, tận hưởng, song sự khai thác của con người đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, thậm chí tiêu diệt nguồn dự trữ sinh thái một cách trầm trọng và đe dọa đến sự sống của con người và muôn vật. Với tốc độ khai thác, tận thu như vũ bão hiện nay thì vài thập kỷ nữa, chúng ta có tội với con cháu, gánh chịu những lời phiền trách của hậu thế nếu như chúng ta phung phí, xa hoa, không biết tiết kiệm, tích lũy để dành của cải".

Do đó, đại biểu Trương Thái Hiền hoàn toàn thống nhất với dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này phải điều chỉnh cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của cá nhân, nhất là lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí ảnh hưởng đến đời sống thiết thực của cộng đồng dân cư, cũng như tạo ra cho xã hội một ý thức hệ có nếp sống văn minh, chuẩn mực, điều độ, lành mạnh, biết tiết kiệm, tránh lãng phí, ý thức để dành của cải và tích lũy cho gia đình và cho xã hội.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), tính khả thi không cao. Đại biểu lý giải do Dự thảo luật có quy định trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhưng không quy định được chế tài xử lý nếu người quản lý doanh nghiệp không thực hiện. Mặt khác, đối với những doanh nghiệp có vốn nhà nước nhưng tỷ lệ thấp, nhà nước không giữ quyền chi phối thì người quản lý doanh nghiệp được thực hiện theo quyền quy định của Luật Doanh nghiệp, không thể bắt họ xác định cũng như tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm yêu cầu chống lãng phí riêng đối với phần vốn hoặc tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị cần cân nhắc lại quy định này, có thể xem xét bỏ quy định về trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp mà chỉ quy định trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc chỉ quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với doanh nghiệp nhà nước thì sẽ phù hợp hơn và có tính khả thi cao.

Về xử lý vi phạm, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành cũng như dự thảo Luật sửa đổi đều có quy định về xử lý hình sự đối với hành vi lãng phí, song Bộ luật Hình sự hiện nay chưa có quy định về tội lãng phí nên không có căn cứ để thực hiện. Do vậy, đại biểu cho rằng cần có quy định về nguyên tắc xử lý hình sự đối với hành vi gây lãng phí lớn như trong dự thảo luật để đảm bảo ngăn ngừa lãng phí có hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Quốc hội sớm đưa chương trình sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự để làm căn cứ xác định và xử lý tội phạm gây lãng phí./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam