Tham nhũng ngày càng tinh vi và chưa có dấu hiệu giảm

Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Năm nay có 41 trường hợp bị xử lý, trong đó 4 người đã bị xử lý hình sự.

Đây là một trong những nội dung trong Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày trước Quốc hội sáng 22/10.

Ảnh minh họa. Nguồn: Đỗ Thoa

Theo Báo cáo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người. Tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi 37,3 tỷ đồng.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012, qua đó phát hiện 3 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.

Việc chuyển đổi vị trí công tác đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước).

Trong năm 2013, ngành Thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu hồi 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.

Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 233 vụ với 568 bị can, gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm ngoái tăng 11 vụ và 97 bị can.

Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can về tội tham nhũng. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 91 vụ, 202 bị can.

Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%).

Các đơn vị có báo cáo người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng là An Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Long An, Sơn La, Nam Định, TP Hà Nội, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nghệ An, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong Báo cáo cũng thừa nhận việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong năm 2013 vẫn còn có những hạn chế như: hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít; quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chậm, nhất là các vụ án tham nhũng có nội dung phức tạp; vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi chưa tốt; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.

Cùng với đó là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có cả các cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó là bệnh thành tích và né tránh trách nhiệm nên vẫn còn tình trạng bao che cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý.

Đánh giá chung, Chính phủ nhận định, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam