Giời leo

(NTO) Trong các bệnh ngoài da, bệnh gây khó chịu, đau nhức, lây lan rất nhanh, khó chữa, có thể làm ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, công việc, để lại di chứng thần kinh lâu dài làm đau nhức triền miên vùng bị thương … đó là bệnh Giời leo.

Theo Đông y, Giời leo là bệnh chứng thuộc dạng hoả độc, nhiệt độc, phát sinh từ trong cơ thể, biểu hiện ra bên ngoài có các triệu chứng như tự nhiên phát sinh mụt nhỏ, có lúc có mọng nước, trong mọng nước có mủ đục, đau nhức rát buốt, lây lan nhanh, nhất là khi mụt vỡ nước … những vùng thường phát sinh giời leo là góc trong mắt, thái dương, quanh môi, sau vai lưng, lan nhanh quanh vùng nách ra phía trước ngực, hoặc từ ngực lan ra phía sau lưng, vùng mông chậu,… Tuỳ theo nơi phát sinh, khi giời lây lan sẽ rải rác ở các vùng khác của cơ thể. Vùng bị giời leo gây biến chứng nguy hiểm nhất là ở đầu, mắt, có thể ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, thị giác… Ở ngực làm mệt tim phổi, không ngủ được…

Vết tổn thương ở cổ do giời leo tấn công. Ảnh: Internet

Một số bài thuốc Nam chữa giời leo như sau:

Mức độ còn nhẹ thì dùng đậu xanh hoặc lá khổ qua, hay gạo nếp: nhai nhuyễn đắp, ngày 1 lần.

Mức độ nặng hơn thì dùng một trong các bài sau:

• Trùn hổ, rau húng dũi, rau răm, mỗi thứ một ít, đốt thành than, tán mịn, hoà dầu dừa bôi.

• Mủ trong trái sung non hoặc mủ từ vỏ cây sung bôi lên vùng giời, mỗi ngày 2 lần (sáng, chiều), chừng 2-3 ngày là kết quả tốt.

• Lá Trúc đào ( thường trồng trong các chùa, đình ) đốt thành than, tán mịn, hoà dầu dừa bôi ngày 2 lần .

• Củ cun (tên khác là củ khúc khắc, thổ phục linh, có ở vùng núi Ninh Thuận, hoặc tiệm thuốc Đông y) mài với giấm thành nước sền sệt, bôi ngày 2 lần.

• Lá xương cá thêm ít vôi tôi, vò hứng bọt trên tô nước sạch, bôi bọt lên vết giời, ngày 1 đến 2 lần.

Chú ý: Khi bôi không tẩy rửa mà bôi liên tiếp lên vùng đau.

Kiêng cử : Không ăn thức ăn cay nóng, tanh, nên ăn uống các thức mát như các loại canh rau, nước dừa, rau má, bí đao, uống nhiều nước chanh trong ngày.