Những bài thuốc dân gian trị bầm, ứ huyết, bong gân

(NTO) Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường hay xảy ra va chạm, té ngã, vật dụng rơi trúng… làm cho cơ thể bị chấn thương như bong gân, ứ huyết, bầm đau, sưng nhức phần mềm, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ... Trong kinh nghiệm dân gian và Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc điều trị các chứng trên đơn giản, dễ làm và có hiệu quả tốt.

• Bị giập ngón tay, ngón chân do vật dụng rơi trúng: Hành củ nướng chín, giã giập bó vào chỗ đau. Mỗi ngày thay 1 lần, vài ngày là nhẹ.

• Bị bong gân, bầm:

1- Dùng lá ngãi diệp, lá bạch đàn non, lá lão bạng (lẻ bạng ), gừng, hành củ, lượng bằng nhau, giã nhuyễn, thêm tí rượu xào chín, còn nóng (chịu được), bó vào chỗ đau, mỗi ngày thay 1 lần, bài thuốc này có tác dụng giảm đau nhức nhanh, tan máu bầm, tiêu sưng, làm liên tục vài ngày là kết quả tốt.

Cây ngải diệp còn gọi là cây ngải cứu, tên khoa học là Artemisia vulgaris L. thuộc họ cúc.  
Ảnh: Internet

2- Bài thuốc khác là lá ngãi diệp, lá ngũ trảo, lá đại tướng quân cũng làm như trên.

• Bị chấn thương phần mềm làm đau tức: Lá cây húng quế (dùng để ăn phở, nêm canh) khoảng vài trăm gam, giã nhuyễn, thêm ít nước, tí muối, vắt uống, còn xác lá đắp lên chỗ đau, mỗi ngày làm 2 lần, liên tục vài ngày.

Lá cây húng quế. Ảnh:Internet

• Bị va chạm sưng u cục trên đầu, trên người: Mới bị dùng ngay muối ăn tẩm ướt dầu khuynh diệp đắp lên chỗ sưng, mỗi ngày làm 1 lần, làm vài lần là hết.

• Bị té làm đau tức: Lá keo gai khoảng 200g. giã nhuyễn thêm tý muối, đổ vào 1 ly nước, vắt nước uống, xác lá đắp lên nơi đau, mỗi ngày thay 1 lần, vài ngày là đỡ.