Như ngọn hải đăng của những người trí thức

"Trong trí nhớ của tôi sẽ mãi mãi ghi lại hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những lần được nghe Đại tướng nói chuyện, được gặp và hầu chuyện Đại tướng", GS. Hoàng Tụy bùi ngùi chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.

Ấn tượng đầu tiên của GS. Hoàng Tụy về "vị Đại tướng của nhân dân" là tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I được tổ chức vào tháng 11/1946. Khi đó, chàng sinh viên Hoàng Tụy được vào nghe đại biểu Võ Nguyên Giáp trả lời chất vấn. Đến giờ, GS. Hoàng Tụy vẫn còn nhớ giọng nói rất đanh thép để hiệu triệu toàn dân đứng lên kháng chiến của Đại tướng ngày đó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuộc hội thảo khoa học thực tiễn. Ảnh: VGP/Trần Hồng

Lần thứ hai của GS. Hoàng Tụy được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể coi như điểm mốc đánh dấu mối quan tâm chung của hai người về lĩnh vực giáo dục. Đó là vào năm 1954, tại Hội nghị Cải cách Giáo dục toàn miền Bắc, GS. Hoàng Tụy được trực tiếp lắng nghe từ Đại tướng những ý tưởng mới có giá trị hướng dẫn cho cuộc cải cách giáo dục sau khi đất nước giành được hòa bình sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tới năm 1979, cùng với GS. Lê Văn Thiêm, GS. Hoàng Tụy được mời sang nói chuyện nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, tới thăm Viện Công nghệ Thông tin.

"Nghe tin Đại tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, mọi người đều mừng rỡ. Tuy nhiên, sau vài năm, chúng tôi cảm thấy có chút thất vọng không phải vì Đại tướng đã không làm được những điều mọi người mong đợi mà vì nếu Đại tướng còn không xoay chuyển được tình hình (cơ chế cho hoạt động khoa học kỹ thuật) thì làm sao khoa học kỹ thuật phát triển được". Phát biểu này của GS. Hoàng Tụy tại buổi gặp mặt khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp nhận, khiến ông rất cảm động.

Ấn tượng của GS. Hoàng Tụy về Đại tướng là một con người “cao thượng, trung kiên mà khoáng đạt”. GS. Hoàng Tụy nói: “Tướng Giáp là một vị tướng văn võ toàn tài. Kiến thức của Đại tướng trên tất cả các mặt văn hóa, khoa học, giáo dục đều rất uyên thâm. Bên cạnh đó, tâm huyết của Đại tướng đã chứng minh rõ trong cả quá trình hoạt động”.

Khi Đại tướng phụ trách lĩnh vực khoa học, giáo dục của đất nước cũng là lúc mở đầu cho nền kinh tế tri thức, thời đại công nghệ mới. Đại tướng nhấn mạnh rất nhiều về tầm quan trọng của công nghệ trong thời đại mới. Thời kỳ Đại tướng phụ trách đã đánh dấu việc ra đời của Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Đó cũng là thời kỳ Nhà nước ta bắt đầu phong các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Giây phút trăn trở, suy ngẫm của Đại tướng. Ảnh: VGP/Trần Hồng

GS. Hoàng Tụy nhớ lại một ngày vào năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho ông. “Nghe chuông reo, tôi nhấc điện thoại: “Xin lỗi, ai gọi đấy?” Phía đầu dây bên kia đáp lại: “Văn đây”. Vì bất ngờ, tôi chưa kịp nhận ra “Văn” là ai, hoàn toàn không nghĩ đó là tướng Giáp. Tôi hỏi lại: “Văn nào ạ?”, “Võ Nguyên Giáp đây”.

“Rồi ông nói về tình hình giáo dục có nhiều vấn đề quá, xã hội bức xúc, năm nào người ta cũng phê phán giáo dục và phê phán rất đúng. Các anh cũng có nhiều ý kiến đóng góp, nhưng xem ra tình hình chưa lay chuyển được. Để tiếng nói có trọng lượng hơn, các anh phải tập hợp nhau lại, bàn thảo, nêu kiến nghị với Trung ương. Cảm giác trong tôi khi đó vừa mừng vừa vinh dự”, GS. Hoàng Tụy kể lại.

Cuộc điện thoại của Đại tướng kéo dài chừng 10 phút, nhắn nhủ GS. Hoàng Tụy đứng ra tập hợp nhân sĩ trí thức, thảo luận việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho một cuộc cải cách toàn diện giáo dục. GS. Hoàng Tụy nhớ mãi lời Đại tướng nói, rất giản dị: “Tôi sẵn sàng tham gia nhóm với tư cách một thành viên...”.

“Có lần, chính Đại tướng tâm sự nếu không làm cách mạng thì ông sẽ là một nhà giáo. Đại tướng đã nhiều lần chia sẻ với anh em chúng tôi: Giáo dục cứ mãi thế này thì kinh tế không làm ra trò gì được. Phải hướng đến sự công bằng, dân chủ trong giáo dục một cách trọn vẹn, đầy đủ. Ông luôn nhắc làm sao giáo dục phải chú trọng người nghèo hơn nữa…”.

Trong câu chuyện xoay quanh việc chấn hưng nền giáo dục, cứ nhắc đến Đại tướng, GS. Hoàng Tụy lại nghẹn ngào: “Tôi bàng hoàng, thấm thía nỗi mất mát vô cùng to lớn không chỉ cho riêng mình mà cho cả dân tộc chúng ta. Tình cảm của anh em khoa học đối với Đại tướng vô cùng yêu kính. Và dù đã bách niên, Đại tướng vẫn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước”.

Nguồn Chinhphu.vn