Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác trọng trách cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững cẩm nang làm tướng mà Hồ Chủ tịch trao cho, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đoàn kết toàn dân, Đại tướng đã dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng. Đức độ, tài năng của Đại tướng đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ.

 
Đại tướng trò chuyện với các cựu chiến binh từng tham gia trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Con người trọn đức vẹn tài

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn say mê học tập nghiên cứu lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nghiên cứu lịch sử các cuộc chiến tranh, lịch sử quân sự thế giới; trân trọng các binh thư của tổ tiên, đi sâu vào Hịch tướng sĩ - Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo và Quân Trung Từ Mệnh Tập của Nguyễn Trãi; đọc các sách Đông-Tây-Kim-Cổ, nghiền ngẫm về Tôn Tử binh pháp, về Carl von Clausewitz, Napoleon và một số tác giả đương thời; đọc các trước tác của Karl Marx, Engels, Lenin, Mao Trạch Đông, đặc biệt chú trọng học tập và tiếp thu sâu sắc tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Đại tướng không chỉ là một vị tướng cầm quân giỏi mà ông còn là một nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ của dân tộc. Đại tướng cũng là một trong những người tham gia sáng lập báo Lao động, Tiếng nói chúng ta; là biên tập viên báo Tin tức, báo Dân chúng; là Chủ tịch Uỷ ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội. Trong 30 năm kháng chiến, trên các báo, tạp chí của Trung ương Đảng, của quân đội có nhiều bài báo mang tên tác giả Võ Nguyên Giáp hay Hồng Nam. Đó là những bài viết về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân; về quan hệ giữa chính trị, quân sự và xây dựng kinh tế; về Đảng lãnh đạo quân đội và các cấp ủy Đảng địa phương lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp đã có gần 70 năm viết báo, là vị đại tướng có nhiều bài báo nhất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều năm hoạt động cách mạng tại Chiến khu Việt Bắc. Ông nói thành thạo tiếng Tày, tiếng Dao và tiếng Mông. Bài diễn ca về Mười chính sách Việt Minh của Bác Hồ viết bằng thể thơ lục bát gửi đồng bào Việt Bắc đã được Đại tướng chuyển sang thể thơ 5 chữ lấy tên là “Việt Minh ngũ tự kinh” và dịch sang 3 thứ tiếng Tày, Dao, Mông để phổ biến cho đồng bào, sau được dùng làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hóa của phong trào Việt Minh.

Thư viện Quân đội đã lưu giữ được nhiều tác phẩm và sách lý luận của Đại tướng từ năm 1948 đến nhiều năm sau này: 46 đầu sách với 10.328 trang in, trong đó có cả những tác phẩm văn học, có sách viết về đề tài khoa học, kỹ thuật, kinh tế… rất xuất sắc. Có nhiều cuốn được tái bản 3 đến 5 lần. Ngoài ra còn 21 tuyển tập gồm các lệnh động viên, báo cáo tổng kết, diễn văn, huấn thị, chỉ thị… liên quan đến Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương sáng về đạo đức và về sinh hoạt của một người đứng đầu toàn quân và của một nhà văn hóa. Là Đại tướng Tổng Tư lệnh nhưng bữa ăn hàng ngày của ông bao giờ cũng đạm bạc, quần áo của ông mùa nào cũng chỉ vài bộ quân phục và thường phục bằng vải thường. Đại tướng thường nhấn mạnh đến công lao, tài năng và đạo đức của các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy các cấp nhưng rất ít nói đến bản thân mình. Ở Đại tướng sự độ lượng, đức khoan dung thật là sâu rộng; Đại tướng có tác phong quần chúng tốt, là người rất quyết đoán nhưng cũng rất gương mẫu; được nhân dân, quân đội và giới trí thức đặc biệt yêu mến.

Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Trong lòng dân, ông là vị Đại tướng của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Đối với các thế hệ khoác áo lính trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, ông bao giờ cũng là vị Tổng tư lệnh tối cao nhất mực, người “Anh Cả” kính mến. Đối với bạn bè năm châu, Đại tướng là vị anh hùng hiện thân sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

“Một thống soái quân sự cỡ lớn” - Đó là cách đánh giá của Đại tướng Mỹ  William Westmoreland “đối thủ hôm qua” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Và bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, các tướng lĩnh và sử gia phương Tây đều có những nhận xét tương tự.

Đại tướng Anh Peter MacDonald thì coi ông là “một trong những Thống soái lớn nhất của tất cả các thời đại”. Tướng Marcel Bigeard, một sĩ quan chỉ huy trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa chỉ nói gọn một câu khi kết thúc cuộc phỏng vấn của Đài Phát thanh Pháp RFI nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “Tôi xin ngả mũ chào bái phục Tướng Giáp”.

Duncan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh (xuất bản ở London nhân dịp giải phóng miền Nam) thì coi Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng trong vòng 25 thế kỷ qua, từ thời xa xưa với Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời hiện đại, với Georgy Konstantinovich Zhukov... Theo Townson, mỗi vị danh tướng đó đều lập những chiến công “tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”...

Tên tuổi nhà quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp đã được khắc ghi trong cuốn Danh nhân Văn hoá thế giới. Đại tướng là một nhân vật đã đi vào huyền thoại, một trong những con người tiêu biểu nhất cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.

Theo TTXVN