Anh Nguyễn Thành Nga áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi cừu có hiệu quả

(NTO) Gần đây, nông dân huyện Thuận Bắc có xu thế chuyển dần từ nuôi dê sang nuôi cừu cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng cỏ chăn thả. Nhiều hộ nhờ có kinh nghiệm nuôi cừu nên đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như anh Nguyễn Thành Nga, ở thôn Gò Đền, xã Bắc Phong.

Bắt đầu nuôi cừu vào cuối năm 1989, ban đầu chỉ có vài ba con, nhưng nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi nên quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng. Hiện nay, anh có trang trại nuôi cừu rộng 2 ha, thường xuyên duy trì tổng đàn từ 400 đến 500 con. Thu nhập từ nuôi cừu, mỗi năm lãi ròng khoảng 300 triệu đồng. Điều đáng nói là, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cừu với mọi người để cùng vươn lên làm giàu.

Anh Nguyễn Thành Nga sử dụng máy ép tấm liếm cung cấp thêm các khoáng chất cho cừu.

Theo anh Nga, cừu là vật dễ nuôi, thuần tính, không kén thức ăn, thích nghi với mọi địa hình chăn thả từ đồng bằng đến vùng đồi núi. Tuy nhiên, nếu phát triển ở quy mô lớn, tổng đàn hàng trăm con mà hộ nuôi không chăm sóc tốt cừu dễ bị các bệnh như: Tụ huyết trùng, viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm tuyến vú… do một số loài vi khuẩn gây ra. Bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa, vào mùa mưa. Khi bị bệnh, cừu có biểu hiện sốt, ủ rũ, bỏ ăn, ho, ở thể cấp tính cừu khó thở, lè lưỡi và chết. Do bệnh lây lan nhanh, nên bà con cần phát hiện sớm triệu chứng để kịp thời chữa trị.

Kinh nghiệm phòng bệnh trên cừu của anh Nga là: Chuồng trại phải làm những nơi thoáng mát, ánh sáng đầy đủ để ngăn chặn các loại vi khuẩn ủ bệnh. Nếu tổng đàn lớn nên tách ra, mỗi chuồng khoảng 100 con là vừa. Làm vệ sinh chuồng trại định kỳ bằng các chất sát trùng, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh đủ liều. Đặc biệt, không thả cừu đi ăn những lúc trời mưa.

Theo anh Nga, khi diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp, hộ nuôi phải trồng cỏ để bảo đảm thức ăn đầy đủ quanh năm cho cừu. Trước đây nguồn thức ăn phong phú, cừu tự tìm kiếm các loại thức ăn tổng hợp đảm bảo đủ các loại khoáng chất nên sức đề kháng bệnh cao. Tuy nhiên, hiện nay thức ăn của cừu chủ yếu là cỏ nên nhiều con thiếu khoáng chất, cần phải cung cấp thêm. May mắn của anh Nga là, tháng 4 -2013, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ máy ép miếng liếm trị giá 25 triệu đồng. Từ khi đưa máy ép vào sử dụng, đã có tác dụng cung cấp đủ khoáng chất nên đàn cừu phát triển mạnh. Trước đây, để bổ sung khoáng chất cho cừu, anh treo những bịch muối quanh chuồng cho cừu liếm, nhưng cơ thể cừu vẫn chưa đủ những khoáng chất cần thiết cho phát triển nên khả năng kháng bệnh thấp. Từ khi có các tấm liếm được ép bằng máy với đầy đủ các chất như: muối, vôi, đất sét, đường mật, bánh dầu đậu phộng… cung cấp đầy đủ khoáng chất nên cừu phát triển nhanh, kháng được các loại bệnh. Chính vì vậy, dù ở thời điểm chuyển mùa đàn cừu của anh vẫn không bị bệnh.

Anh Phạm Thái Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Phong, nhìn nhận: Anh Nga là hộ đi đầu ở địa phương trong áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi cừu đạt hiệu quả cao. Kinh nghiệm chăn nuôi của anh hiện đang được phổ biến rộng rãi ở địa phương.