Nuôi ngựa ở Bắc Sơn

(NTO) Chúng tôi gặp “gia đình” ngựa gồm ba con đang gặm cỏ trên đồng đất tục danh Cà Rài thuộc xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.

Chủ nhân là ông Lai Lầu, 65 tuổi, ở thôn Bỉnh Nghĩa. Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết khoảng nửa thế kỷ trước ở Bỉnh Nghĩa có nhiều gia đình nuôi ngựa vừa phục vụ tín ngưỡng tộc họ, vừa bán cho các chủ xe ngựa. Khi xe máy trở thành phương tiện đi lại phổ biến của dân cư vùng nông thôn thì nghề xe ngựa cũng mai một dần. Ngựa bán ít người mua và nghề nuôi ngựa cũng dần vắng bóng ở làng Bỉnh Nghĩa. Theo phong tục của đồng bào Chăm địa phương, đám cúng Ri Chà dấu nhất thiết phải có con ngựa sống. Ri Chà dấu là đám cúng trả ơn ông bà do con cháu có lời cầu xin phù hộ may mắn trong việc làm ăn. Do không có ngựa thật nên đàn ông trong tộc họ giả làm ngựa đứng trước rạp cho bà bóng “quất roi” trong đám cúng Ri Chà dấu.

 
Đàn ngựa của ông Lai Lầu ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.

Giữa năm 2005, ông Lai Lầu bàn với bà con tộc họ thống nhất khôi phục nghề nuôi ngựa phục vụ cho các đám cúng Ri Chà dấu. Tộc Sầm Thị Kiểu “xuất vốn” cho ông 5 triệu đồng lên Công Thành mua con ngựa cái khoảng ba tuổi đưa về Bỉnh Nghĩa làm giống. Do mua trúng ngựa cái “nâng” tuy dáng vóc cao lớn phổng phao nhưng không có khả năng sinh sản. Ông Lai Lầu đưa con ngựa cái “nâng” cho ông Tám Bé ở Văn Hải chuyển vào Bình Thuận kéo xe. Ông Tám Bé đổi lại cặp ngựa con khoảng một năm tuổi, gồm một con cái và một con đực.

Nhờ điều kiện khí hậu và đồng cỏ tự nhiên sẵn có hai con ngựa mau lớn, đến nay đã sinh sản ba con ngựa con. Năm 2012, ông bán cho một người buôn ngựa ở Đông Hải con ngựa đực hai năm tuổi với giá 8 triệu đồng. Giữa tháng tám năm nay, ông bán cho bà Thành Thị Chọn con ngựa cái 12 tháng tuổi được 5 triệu đồng. Ngựa cái đẻ mỗi năm một con, ngựa con bú mẹ đến 9- 10 tháng tuổi thì cai sữa. Hiệu quả kinh tế của nghề nuôi ngựa hiện nay tuy chưa cao bằng nuôi bò nhưng cũng đã đem lại thu nhập cho ông Lai Lầu và tộc họ Sầm Thị Kiểu.