Phước Chiến lưu giữ và phát triển nghề đan lát truyền thống

(NTO) Thôn Tập Lá, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc hiện có 241 hộ, với 100% đồng bào Raglai, trong đó có 32 hộ với hơn 60 lao động đang hoạt động nghề đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chủ yếu như: Nỏ, gùi, tó, thúng, nia,... Từ xa xưa, bà con dân tộc Raglai đã biết đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ cho nhu cầu đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm làm ra còn mang tính tự cung, tự cấp phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong gia đình và tại địa phương.

Để lưu giữ và nhân rộng ngành nghề truyền thống của đồng bào Raglai, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2246/QĐ-UBND nhằm xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho thôn Tập Lá, xã Phước Chiến phát triển thành làng nghề đan lát, ghép vào nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ, với lộ trình đầu tư phát triển từ năm 2012 đến năm 2015.

 
 
 
Ông Chamaleá Thắng ở xã Phước Chiến đan gùi bán cho khách du lịch có thu nhập mỗi tháng trên 2 triệu đồng.

Theo đó, UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí cho 20 hộ dân ở thôn Tập Lá, mỗi hộ 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, bà con mua các công cụ như: rựa, dao, thiết bị để đổi mới một số công đoạn sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và thu mua nguyên liệu. Ngoài ra, bà con còn được tham gia các buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở địa phương có làng nghề đan lát phát triển để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm.

Từ năm 2010 đến nay, UBND xã Phước Chiến đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ và cấp chứng chỉ nghề cho 60 học viên, từ đó, các học viên này sẽ truyền kinh nghiệm cho những học viên khác. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ trồng 0,3 ha cây lồ ô cho 3 hộ ở Phước Chiến nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu. Diện tích nguyên liệu này được giao cho các hộ tham gia làng nghề thay phiên nhau chăm sóc, quản lý và thu hoạch nguyên liệu để sản xuất. Từ năm 2012 trở đi, huyện đã hỗ trợ cho 3 đến 5 cơ sở sản xuất sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ tham gia các đợt hội chợ, triển lãm trong nước.

Đến nay, có 116 hộ tham gia nghề đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chủ yếu ở các thôn Tập Lá, Ma Trai, Đầu Suối A và Động Thông. Để làng nghề phát triển hiệu quả, bà con thành lập một nhóm: gồm tổ trưởng, tổ phó, thư ký quản lý. Mỗi ngày, các hộ tham gia sẽ tập trung ở nhà nhóm trưởng để đan lát từ sáng sớm đến giữa trưa. Qua đó, các thành viên trong nhóm có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, tạo nên những sản phẩm tốt hơn. Anh Katơr Hiệu, tổ trưởng tổ đan lát chia sẻ: Tổ chúng tôi gồm có 23 người, mỗi ngày làm được khoảng 10 sản phẩm, gồm: gùi, nia, nỏ..Khoảng một tuần sẽ có thương lái đến thu mua với giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/sản phẩm, trừ chi phí lãi khoảng 150.000 đến 200.000 đồng/sản phẩm. Thu nhập bình quân mỗi người từ 70.000 đồng/ngày. Nhờ mẫu mã đa dạng, thích hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp nên các sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Chamaléa Quyền, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến cho biết: Hiện nay kế hoạch tổ chức tái tạo làng nghề đan các sản phẩm truyền thống của người dân  Raglai đang được triển khai. Ngoài việc tạo điều kiện cho các hộ tham gia đan lát, chính quyền địa phường còn phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề tổ chức dạy nghề cho các học viên có nhu cầu, đồng thời quảng bá sản phẩm, hướng tới tham gia dịch vụ du lịch giúp bà con có đầu ra ổn định. Trong thời gian tới, với nguồn giống tự ươm, UBND xã sẽ mở rộng 2 đến 3 ha cây lồ ô, đảm bảo nguồn nguyên liệu phát triển làng nghề. Bên cạnh vấn đề lưu giữ làng nghề truyền thống khỏi mai một, đây còn hướng giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn nhàn rỗi.