Nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Chỉ được sử dụng một hộ chiếu khi nhập cảnh

Tờ trình do Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày nêu rõ, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước theo phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời, để bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, qua thực tiễn quản lý cho thấy có một số quy định tại các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn những điểm bất cập, chưa thống nhất.

Điển hình như Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động.

Để phù hợp với thực tế hiện nay đang có nhiều người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, dự thảo Luật đã quy định về thị thực lao động và yêu cầu người nước ngoài vào làm việc có thu nhập tại Việt Nam phải có giấy phép lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trước khi nhập cảnh.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng cho biết, để đảm bảo tính linh hoạt, không cứng nhắc của Luật, đối với một số trường hợp cụ thể được chuyển đổi mục đích nhập cảnh nhưng sẽ do Chính phủ quy định.

Theo dự thảo Luật, người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam chỉ được sử dụng một hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu nhằm giải quyết tình trạng phát sinh đối với người có nhiều quốc tịch, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài (vừa có hộ chiếu Việt Nam, vừa có hộ chiếu nước ngoài) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; xác định cụ thể quốc tịch của người đó, hạn chế xung đột pháp luật khi áp dụng các chế tài xử lý vi phạm, đồng thời phục vụ thống kê nhà nước về xuất nhập cảnh.

Làm rõ thêm về quy định này, đại diện Bộ Công an cho biết, trong trường hợp người nước ngoài có 2 quốc tịch xuất nhập cảnh vào Việt Nam, Luật này giải quyết theo hướng, khi cá nhân nhập cảnh bằng hộ chiếu nào thì phát sinh các vấn đề về quốc tịch theo hộ chiếu đó, nguyên tắc là chỉ sử dụng 1 hộ chiếu, nhằm tránh xung đột quốc tịch và quản lý trong quá trình cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Ngoài ra, người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam phải có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp thuộc diện được miễn thị thực hoặc cần tranh thủ đối ngoại, được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xét cấp thị thực. Quy định nguyên tắc này nhằm ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý hoạt động của người nước ngoài, tránh tình trạng người nước ngoài lợi dụng nhập cảnh Việt Nam hoạt động trái mục đích nhập cảnh gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Trả lời câu hỏi của một số ủy viên UBTVQH về việc liệu dự thảo Luật này có chồng chéo với một số Luật chuyên ngành hay không, đại diện Ban soạn thảo cho rằng, đây là lĩnh vực có tính chất chuyên ngành, các vấn đề khác như vấn đề lao động, du lịch hay doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam được điều chỉnh ở các luật khác. Ví dụ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý vấn đề về du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý những vấn đề về lao động..., còn Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chỉ tập trung trách nhiệm các cơ quan quản lý thuộc vấn đề xuất nhập cảnh, cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Liên quan đến việc liệu có mâu thuẫn giữa quy định của dự thảo Luật này với Luật Đầu tư 2005 khi quy định trong dự thảo luật thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, trong khi Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn của thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư tối đa là 5 năm, đại diện Bộ Công an giải trình thêm: quy định thời hạn 12 tháng là phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hơn nữa, để đảm bảo sự linh hoạt và thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam, dự thảo luật cũng quy định cụ thể đối tượng, điều kiện cấp thẻ tạm trú, ký hiệu, thời hạn của thẻ tạm trú và nâng thời hạn của thẻ tạm trú từ 3 năm lên 5 năm.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị quy định cần bảo đảm tính thống nhất về thời hạn của thị thực và thẻ tạm trú, nhất là đối với những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích làm việc, học tập, hợp tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan, tổ chức có liên quan và cho người nước ngoài.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh

Thẩm tra tra sơ bộ dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng luật này như Tờ trình của Chính phủ.

Liên quan đến quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung trách nhiệm của một số bộ có liên quan nhiều đến lĩnh vực này như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế của cơ quan xuất nhập cảnh; công bố công khai, minh bạch địa chỉ, quy chế làm việc của cơ quan xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho người nước ngoài khi có nhu cầu tiếp xúc, làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam, đồng thời giúp cho hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng được thuận lợi.

Bên cạnh đó, mặc dù dự luật đã quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện và cấp xã trong lĩnh vực này, nhưng “còn chung chung, khó bảo đảm tính khả thi và hiệu quả” - bản báo cáo thẩm tra nêu rõ. Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cần quy định cụ thể hơn, đặc biệt là về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp xã - nơi trực tiếp quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại địa phương.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc ban hành luật phải đáp ứng yêu cầu giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thực tế, trong đó tính đến việc tương thích đối với các luật có liên quan, tránh trùng lặp, bỏ sót những nội dung điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Dự án Luật phải được xây dựng thể hiện rõ và đầy đủ nguyên tắc chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo đặc biệt chú ý đến việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định cụ thể những nội dung liên quan trực tiếp đến người nước ngoài phải thực hiện, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch và thuận tiện và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ở một khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị nhiều nội dung cần được Ban soạn thảo thể hiện rõ ngay trong Luật, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định. Ngoài ra, Cơ quan soạn thảo cần tiếp cận những vấn đề mới có liên quan đến việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 để bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến của thành viên UBTVQH cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện kèm theo để được cấp thị thực thuộc nhóm dễ phát sinh những vấn đề phức tạp như: du lịch, lao động, những người được cấp thị thực ký hiệu D theo Pháp lệnh hiện hành có thể thông qua việc chứng minh về tài chính, vé máy bay khứ hồi…

Dự kiến, Dự án Luật sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam