Khai mạc Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 9/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 21. Diễn ra từ ngày 9 - 24/9, Phiên họp sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp với thời lượng chương trình lớn (16 ngày). Sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp với các đại biểu Quốc hội chuyên trách 2 ngày để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào các dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phá sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Đầu tư công.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến, thảo luận vào 02 dự thảo quan trọng là: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012; về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013; báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; về kế hoạch kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (Luật Sĩ quan) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008, đã được Bộ Quốc phòng nghiêm túc tổ chức triển khai. Sau 5 năm thực hiện, Luật Sĩ quan cơ bản phù hợp, đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, còn có ý kiến khác nhau; một số quy định của Luật chưa cụ thể, khó áp dụng cần được khắc phục.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung được bố cục thành 2 điều. Trong đó, Điều 1 quy định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại 3 điều của Luật hiện hành, gồm Điều 11 (Chức vụ của sĩ quan), Điều 15 (Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan); Điều 25 (Thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan); Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam