Khu trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trên bảo tàng 3D. Ảnh: VGP/Mai Hồng
Hai khu trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam” giới thiệu với công chúng trong lần ra mắt này được coi là bước đột phá của hoạt động bảo tàng ở nước ta.
Dự án xây dựng Bảo tàng ảo tương tác 3D cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã kế thừa phương pháp nghiên cứu, xây dựng nội dung, ý tưởng, thông điệp của Bảo tàng kết hợp với tính năng công nghệ mà các bảo tàng trên thế giới đã triển khai. Đồng thời ứng dụng các công nghệ mới nhất hiện nay cho phép chúng ta xây dựng các tính năng hiện đại hơn và mang đậm bản sắc riêng của Việt Nam.
Với chi tiết các không gian trưng bày, các hiện vật được số hóa, Bảo tàng ảo tương tác 3D là giải pháp công nghệ tối ưu cho việc tuyên truyền về những giá trị mà Bảo tàng đang quản lý, mang chúng đến với khách tham quan một cách thuận lợi, đa dạng. Tuy nhiên, giải pháp này không thể thay thế mà chỉ là sự hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực, vì các thông tin trên bảo tàng 3D sẽ gợi trí tò mò cho người xem khiến họ muốn đến bảo tàng thực để xem xét thực tế.
TS Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết việc trưng bày tạo điều kiện cho công chúng không có điều kiện đến với bảo tàng, nhưng thông qua mạng internet có thể tiếp cận với bảo tàng.
Khu trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (địa chỉ: disanvanhoaphatgiao.egal.vn) và Đèn cổ Việt Nam (địa chỉ: denco.egal.vn) là những chuyên đề đầu tiên được thí nghiệm thực hiện số hóa 3D trong dự án tổng thể xây dựng Bảo tàng ảo tương tác 3D cho toàn bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Nguồn chinhphu.vn