Phát huy vai trò người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác giữ gìn an ninh trật tự

(NTO) Trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống tự lực, tự cường của quê hương Ninh Thuận, đoàn kết một lòng theo Đảng, mưu trí dũng cảm chống giặc ngoại xâm, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng tỉnh nhà.

Các anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân Đổng Dậu, Pi-năng Tắc, Chamaléa Châu, Pi-năng Thạnh... là những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tên tuổi của họ mãi lưu danh trong trang sử hào hùng của quê hương Ninh Thuận. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh ta phát huy truyền thống, luôn đoàn kết, sát cánh cùng nhau xây dựng Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.

 
Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
và đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm các vị chức sắc trong đồng bào Chăm.

Những năm qua, lực lượng Công an các cấp luôn chủ động làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người có uy tín trong đồng bào DTTS đã thật sự phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT ở địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, những người có uy tín trong đồng bào DTTS thường xuyên gắn bó với phong trào, tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; giải quyết hàng trăm vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cảm hóa, quản lý giáo dục hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, vận động bà con nhân dân nâng cao ý thức phòng chống tội phạm, giáo dục con em, người thân trong gia đình, tộc họ mình không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc dân tộc; không tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn xóm, làng … Hiện nay, trong vùng đồng bào DTTS có 265 tộc họ đã và đang triển khai xây dựng mô hình tộc họ tự quản về ANTT. Trong đó, có 49 tộc họ đã xây dựng được hương ước, quy ước về ANTT. Điển hình như tộc họ Đổng Dậu, tộc họ Cà Ná, tộc họ Đất Đỏ, tộc họ Cây Lim … Bên cạnh đó, hàng trăm chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng dòng tộc ở tỉnh ta đang phát huy vai trò của mình trong nhiệm vụ giữ gìn ANTT.

Bà Thuận Thị Trào, ở thôn Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân là chủ cơ sở dệt có tiếng trong làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm huyện Ninh Phước. Bà không chỉ là một tấm gương lao động giỏi, một người phụ nữ thành đạt trong kinh doanh, mà còn là người tâm huyết với nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở địa phương. Là thành viên của Tổ hoà giải thôn Mỹ Nghiệp, bằng tinh thần trách nhiệm, uy tín của bản thân, với tình cảm chân thành, bà Thuận Thị Trào đã cùng với các thành viên trong tổ đến từng nhà để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến, bàn bạc tìm cách giải quyết “thấu tình, đạt lý”, gắn kết “tình làng, nghĩa xóm” mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra. Hàng năm, bà cùng các thành viên trong tổ hòa giải đã dàn xếp ổn thỏa nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân, trong đó có những vụ liên quan đến tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở địa phương. Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, bà còn tích cực vận động bà con nhân dân trong khu phố chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các quy định của địa phương, hương ước, quy ước tộc họ, phong tục, tập quán, tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào bảo vệ ANTQ, góp phần giữ gìn ANTT ở cơ sở.

Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam có tỷ lệ đồng bào Chăm chiếm 90% dân số toàn xã. Thời gian qua, trên địa bàn xã xảy ra một số vụ việc gây mất ANTT, do một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị kẻ xấu kích động… Trước tình hình đó, người có uy tín trong đồng bào Chăm của xã đã phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực phối hợp với chính quyền giải quyết các vụ việc, nhanh chóng ổn định tình hình ANTT ở địa phương. Ông Từ Công Dư - một chức sắc trong Hội Đồng sư cả Bàni, thôn Văn Lâm, xã Phước Nam là một trong những cá nhân tiêu biểu, có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn ANTT ở địa phương. Thực hiện tốt vai trò của một chức sắc tôn giáo, ông Dư cùng Hội đồng sư cả hướng dẫn, giúp đỡ bà con thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Ông Ka-tơ Sáng, ở thôn Ma Rớ, xã Phước Thành, huyện Bác Ái là một trong những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Raglai ở tỉnh ta. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông luôn đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động dòng tộc, bà con lối xóm chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương; không tin, không nghe lời xuyên tạc bịa đặt của kẻ xấu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng người Raglai như: thờ cúng ông bà tổ tiên, tham gia lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới.

Và cũng như nhiều chức sắc trong tôn giáo, già làng, trưởng thôn, trưởng các dòng tộc khác, các ông bà như Bá Bình Lợi, Quảng Đại Mân, Hán Văn Thẹo, ở huyện Ninh Phước; Tà Yên Mau, ở huyện Thuận Nam; Đạo Ngọc Trọn, ở huyện Ninh Hải; Ka Mang Thị Điền, ở huyện Thuận Bắc; Diệp Tùng, ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm… là những người người có uy tín trong cộng đồng đang từng ngày đem hết nhiệt huyết của mình góp sức cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh bảo vệ sự bình yên cuộc sống nhân dân.