Khó khăn từ cơ sở
Tại Trung tâm Y tế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, từ giữa tháng 6 đến nay, 3 loại thuốc về huyết áp, tim mạch và dạ dày bị thiếu hụt. Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Trung tâm đã một mặt tuyên truyền để người bệnh hiểu và thông cảm; mặt khác, chuyển những bệnh nhân này lên tuyến trên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám để được cấp đủ thuốc theo bệnh. Việc thiếu thuốc chữa bệnh tuy không bức xúc nhưng cũng là những trở ngại trong công tác khám, chữa bệnh của Trung tâm Y tế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.
Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Nhị Hà.
Bác sĩ Phạm Trọng Hoàng Vũ, Giám đốc Trung tâm Y tế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Từ đầu năm, Trung tâm đã tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc, có dự trù lượng thuốc KCB phát sinh nhưng do lượng người tham gia BHYT tăng cao, lượng người bệnh tới khám cũng tăng theo nên hiện có một số loại thuốc bị thiếu. Từ tháng 4, đơn vị đã mua bổ sung thêm 167 triệu đồng tiền thuốc nhưng vẫn không đủ. Hiện sắp đến thời gian đấu thầu thuốc đợt tiếp theo nên Trung tâm đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để sớm có thuốc phục vụ nhân dân.
Tại huyện Bác Ái, tình trạng thiếu thuốc tại một số địa phương về cơ bản không xảy ra. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện: Chỉ có một số xã do nhà cung ứng thuốc chưa đưa thuốc về kịp chứ không thiếu thuốc. Sắp tới đây, huyện cũng sẽ tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân. Tuy nhiên cũng như các địa phương, công tác lập hồ sơ, xây dựng các danh mục thuốc dự kiến sử dụng cũng gặp nhiều vướng mắc, từ 6 tháng nay, qua chỉnh sửa nhiều lần nhưng hồ sơ vẫn chưa hoàn chỉnh.
Qua tìm hiểu tại các cơ sở y tế, nhiều đơn vị phàn nàn về việc thủ tục hồ sơ đấu thầu thuốc KCB hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, trở ngại làm ảnh hưởng đến công tác KCB và cũng là nguy cơ dẫn đến thiếu thuốc cục bộ tại một số địa phương.
Cần tháo gỡ từ công tác đấu thầu
Tại tỉnh ta, việc lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch, dự trù lượng thuốc KCB và tổ chức đấu thầu được giao về cho cơ sở. Sở Y tế có trách nhiệm làm công tác thẩm định và phê duyệt hồ sơ. Tuy nhiên do cơ sở không “rành” các thủ tục xây dựng hồ sơ đấu thầu, lại còn làm nhiều việc chuyên môn khác nên không “kham” nổi, thậm chí gặp nhiều lúng túng trong khâu thực hiện. Các văn bản, hướng dẫn liên quan đến công tác đấu thầu của Bộ Y tế thay đổi liên tục, không thống nhất nên khó cho công tác lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu.
Theo Phòng Nghiệp vụ Dược-Sở Y tế, việc thiếu thuốc là do từ cơ sở, vì thuốc được cơ sở tự đề xuất đấu thầu. Một số đơn vị đang trình hồ sơ để phê duyệt việc đấu thầu nhưng qua xem xét thấy cơ sở không giải trình được một số nội dung đã đề xuất. Chậm trễ là từ đơn vị chứ không phải ở khâu phê duyệt. Để giải quyết các khó khăn về thuốc chữa bệnh, sắp tới đây Sở Y tế sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tháo giỡ các vướng mắc của các đơn vị liên quan. Mặt khác thống nhất chủ trương thực hiện các quy định về đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Đồng chí Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Theo quy định, khi thiếu thuốc, các cơ sở được phép mua bổ sung theo giá đã đấu thầu. Nếu thiếu nữa thì xin ý kiến Sở Y tế để kiến nghị lên UBND tỉnh cho mua thêm. Thiếu thuốc ở đây có nhiều nguyên nhân, thứ nhất có tình trạng thiếu thuốc do dự trù, đặt mua trong gói thầu bị thiếu, mặt khác còn lệ thuộc vào số bệnh nhân hàng năm, khi lượng bệnh nhân tăng đột biến thì không đủ thuốc để đáp ứng. Sắp tới đây chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra nắm thêm tình hình thực tế ở cơ sở để có hướng tháo gỡ.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới những bất cập, vướng mắc về thuốc chữa bệnh sẽ được tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương, cơ sở KCB thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngũ Anh Tuấn