Bác Ái: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động

(NTO) Qua 4 năm thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đối với các huyện nghèo và Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đến nay công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và XKLĐ trên địa bàn huyện Bác Ái đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo Phòng Lao động- Thương binh & Xã Hội, từ năm 2009 đến nay tỷ lệ LĐNT qua đào tạo, tập huấn trên địa bàn huyện cơ bản đạt được so với mục tiêu của Nghị quyết 30a đề ra (trên 20%). Trong 4 năm, huyện tổ chức dạy nghề, tập huấn cho 5.131 lao động, trong đó đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 2.510 lao động, các lớp đào tạo gồm 6 nhóm ngành: trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng (nề), sửa chữa máy nổ, xe máy, may công nghiệp. Sau đào tạo có 38 lao động được bố trí làm công tác khuyến nông, hơn 400 lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở Đồng Nai, gần 100 lao động làm cao su tại Khánh Hòa, số lao động còn lại phần lớn có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, một số được vay vốn giải quyết việc làm tại địa phương.

Anh Ka-tơ Bình ở thôn Tà Lú 1 (xã Phước Đại, huyện Bác Ái) có việc làm ổn định
sau khi được đào tạo nghề lớp sửa chữa máy nổ.

Anh Ka-tơ Bình, thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại cho biết, năm 2010 thôn Tà Lú 1 được Nhà nước hỗ trợ 1 máy tuốt lúa nhưng bà con không biết sử dụng. Năm 2011 huyện mở lớp dạy nghề sửa chữa máy nổ nên đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học tập, được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ sản xuất của thôn, cùng 4 hộ khác tham gia quản lý, sử dụng máy “nhai” bắp, lúa cho bà con trong xã.

Đồng chí Bùi Quốc Việt, Trưởng Phòng Lao động- Thương binh & Xã hội, cho biết: Rút kinh nghiệm những năm trước đây, để công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả, từ năm 2011 đến nay địa phương xác định đào tạo nghề phải gắn với việc triển khai các đề án, mô hình sản xuất trong quy hoạch đã được tỉnh, huyện phê duyệt. Chú trọng đào tạo, gìn giữ ngành nghề truyền thống.

Trong XKLĐ, từ năm 2009 đến nay huyện tuyển chọn và đưa 79 lao động tham gia XKLĐ tại thị trường Malaysia, 1 lao động tại thị trường Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2012 có 73/80 lao động gửi tiền về cho gia đình với tổng số tiền gần 1,1 tỷ đồng và 4.804 USD, 33 lao động trả nợ xong tiền vay Ngân hàng CSXH.

Công tác dạy nghề, XKLĐ và giải quyết việc làm cho LĐNT trên địa bàn huyện Bác Ái đã và đang góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tuy nhiên, chất lượng lao động còn thấp, ý thức sống xa gia đình còn hạn chế, thiếu tác phong công nghiệp… nên kết quả mang lại chưa cao. “Để đạt được mục tiêu năm 2013, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai”, đồng Chí Bùi Quốc Việt cho biết thêm.