Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X): Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(NTO) Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từ năm 2009 đến nay, tỉnh ta đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết bằng việc tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Nhờ đó, bức tranh nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà ngày càng có sự chuyển biến rõ nét, đời sống của nông dân ngày được nâng lên. Chỉ tính trong 5 năm (2008 – 2012) giá trị sản xuất ngành trồng trọt đã tăng bình quân 3,52%; riêng từ đầu năm 2013 đến nay, tăng 1,9 lần so với năm 2008.

Xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Điều đáng ghi nhận trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) ở tỉnh ta hiện nay là các ngành, địa phương đã vận dụng khá linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, các thành phần kinh tế chủ động liên doanh, liên kết hình thành các HTX, Tổ hợp tác để xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng “thị trường hóa” đạt hiệu quả. Với cách làm này, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 130 mô hình sản xuất. Trong đó, có 47 mô hình trồng trọt (quy mô thực hiện 1.298 ha); 40 mô hình chăn nuôi; 11 mô hình thủy sản; 19 mô hình cơ giới hóa và 12 mô hình lâm nghiệp và diêm nghiệp.

Nét mới sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, nông dân các địa phương đã bắt đầu định hình được nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đơn cử như ở huyện Ninh Phước, địa phương phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai các mô hình sản xuất mới cho nông dân như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình liên kết “bốn nhà” để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa giống, bắp lai; mô hình “sản xuất rau an toàn”... tại các xã Phước Hậu, Phước Sơn, Phước Vinh, An Hải, với diện tích hàng trăm ha. Qua kết quả thu hoạch cho thấy, các mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nông dân, trong đó điển hình nhất là mô hình sản xuất lúa giống ở xã Phước Hậu luôn đạt năng suất bình quân 70 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt 80 - 90 ta/ha, tăng gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm. Đặc biệt, hiện tại ở xã Phước Hậu, bà con nông dân đang phát triển thêm mô hình kinh tế khá hiệu quả, đó là “Trồng táo và nuôi dê vỗ béo”. Trung tuần tháng 7 vừa qua, chúng tôi có dịp theo đoàn công tác của Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đến thăm mô hình trồng táo tại gia đình anh Lê Hoàng Hải, ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu. Với 3,5 sào đất vườn, trước đây gia đình anh Hải đã từng đầu tư trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng đều không mang lại hiệu quả. Từ năm 2008 đến nay, được sự vận động của Hội Nông dân xã, anh Hải đã chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng táo. Nhờ đầu tư đúng hướng và chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn táo của gia đình anh Hải phát triển rất tốt, cho sản lương khá cao. Anh Hải cho biết: Trung bình mỗi năm vườn táo của gia đình anh cho thu hoạch từ 5-6 tấn/sào, cá biệt có năm lên đến 8-9 tấn/sào. Với giá bán trung bình 5.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh lãi ròng 70 triệu đồng.

Chăn nuôi cừu dưới tán vườn táo- mô hình kinh tế nông hộ bền vững của nông dân
xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc

Qua thực tế triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở tỉnh ta cho thấy, không chỉ có huyện Ninh Phước mà ở một số địa phương như: Ninh Sơn, Ninh Hải... cũng đã chú trọng đến việc quy hoạch và bố trí cây trồng phù hợp theo từng loại đất để hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, tạo giá trị hàng hóa lớn và thu nhập đáng kể cho nông dân. Đặc biệt, với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp còn lớn và một số công trình thủy lợi đã được đầu tư trong thời gian qua đã tạo điều kiện để nông dân trong tỉnh phát triển các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao và có khả năng sản xuất được nhiều vụ trong năm như: Lúa, bắp, nho, táo, tỏi... Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), những năm qua ngoài việc mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực như: Lúa, mía, mì với diện tích hàng chục ha mỗi năm, địa phương còn triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế như: Nuôi dông trên cát, nuôi cá trê lai, nuôi cừu sinh sản, thâm canh lúa giống, mía giống... tại các xã Lương Sơn, Quảng Sơn, Mỹ Sơn. Để tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương đang tiếp tục triển khai thêm 2 mô hình “Trồng cây măng tây xanh” và “Thâm canh cây táo xanh”, nhằm từng bước hướng đến xây dựng Ninh Sơn trở thành vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Từ kinh nghiệm thực hiện thành công những mô hình kinh tế ở các địa phương cho thấy, kinh tế nông nghiệp tỉnh ta đang tiếp tục phát triển với sự chuyển biến tích cực theo hướng xây dựng nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X). Sự thành công của các mô hình trên là tiền đề để các địa phương tiếp tục năng động hơn trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hướng đến thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.