An toàn vệ sinh thực phẩm, nhìn từ chợ nông thôn

(NTO) Chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong việc giao thương, trao đổi hàng hoá, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại tại các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh ta hiện nay là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Tỉnh ta hiện có 104 chợ, trong đó hầu hết là chợ hạng 3, hạng 2 và chợ tạm có quy mô nhỏ, người dân phải họp chợ trên nền đất không bảo đảm vệ sinh. Mặt khác, hàng hóa ở hầu hết các chợ nông thôn được bày bán thiếu quy củ, thực phẩm sống được bày bán lẫn lộn với những thức ăn chín. Tình trạng nước thải ứ đọng quanh chợ bốc mùi hôi thối, phế phẩm của những mặt hàng tươi sống bị vứt bừa bãi, tràn lan làm cho không khí quanh khu vực chợ bị ô nhiễm. Trong khi đó, đồ thực phẩm tươi sống bày bán không đúng quy định; đồ ăn đã qua chế biến không che đậy hoặc không được bày bán trong tủ kính để ruồi, vi khuẩn mặc sức tấn công... rất mất vệ sinh.

 
Thịt được nướng không che đậy ngay tại chợ Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, Ninh Phước.

Có mặt tại chợ Ninh Quý, thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn (Ninh Phước) vào thời điểm hơn 8 giờ sáng, chúng tôi nhận thấy mặc dù chợ được xây dựng kiên cố, song môi trường tại đây đang bị ô nhiễm nặng. Trong chợ, các hàng rau, thịt, đồ tươi sống... được bày bán  xen lẫn các hàng bán thức ăn chín. Vào đầu cổng chợ chính, đồ gia dụng, bánh trái, chè thập cẩm được bày bán không có đồ che đậy, người bán hàng cũng dùng tay không lấy đồ cho khách. Càng đi sâu vào trong chợ, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm càng đáng lo ngại, đặc biệt là khu vực bán thực phẩm tươi sống cuối chợ được đặt ngay cạnh bãi rác, cá được bày bán trên mảnh nilon đặt ngay dưới nền ẩm ướt, dọc lối đi của khách hàng; sau khi mổ cá xong, hầu hết rác, nước thải đều được đổ trực tiếp tại đó. Mùi hôi tanh bay khắp nơi, nước chảy lênh láng, khiến không khí quanh khu vực chợ bị ô nhiễm trầm trọng. Ngay gần đó, một lò than nghi ngút khói, mùi thịt nướng, chả chiên cộng với mùi của rác thải… tạo thành thứ “hương vị" thật khó tả. Trò chuyện với chị Trần Thị Bích Hạnh, chủ quầy thịt nướng, được biết gia đình chị kinh doanh nghề này đã 5 năm nay. Hàng ngày chị đi mua thịt heo, cá rồi về chế biến sẵn, sau đó mang ra chợ nướng hoặc chiên để bán cho khách, trung bình mỗi ngày chị bán được 10 kg thịt nướng. Thấy tôi băn khoăn về việc thức ăn ở đây được bày trên mâm không có dụng cụ che đậy, không đeo bao tay, lại gần khu vực bãi rác, chị Hạnh nhanh nhảu: Tôi làm nghề này ở đây lâu rồi chưa có ai bị ngộ độc, mà thức ăn mình cũng nướng chín hết rồi nên cũng không có vi khuẩn nào đâu.

Tại chợ Hiếu Lễ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng diễn ra nghiêm trọng. Ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy đó là một khu chợ nhếch nhác, lộn xộn. Dưới những mái che lụp xụp, rác thải đổ ngổn ngang, phế phẩm của những mặt hàng tươi sống bị vứt bừa bãi, tràn lan tạo thành một “bãi rác” ngay bên hông chợ. Trời nắng thì bụi, trời mưa thì sình lầy. Đặc biệt, do tập quán thả súc vật rong của các hộ dân sống quanh khu vực chợ, hàng ngày bà con buôn bán tấp nập, những chú heo, gà thoải mái đằm mình trong các hố bùn, rác rồi ngang nhiên đi lại trong khu chợ mà không bị xua đuổi. Nhiều quầy hàng còn bầy bán các mặt hàng nhu yếu phẩm với các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Cách bãi rác chỉ có vài bước chân là mấy hàng bán đồ ăn sáng, người ăn cứ vô tư thưởng thức những sợi bún, mì và những chiếc bánh trong bầu không khí ngột ngạt và khó chịu.

Tình trạng mất ATVSTP cũng đang diễn ra tại các chợ quê như chợ Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải); chợ Ấn Đạt, xã Lợi Hải (Thuận Bắc); chợ Nhị Hà 2, xã Nhị Hà (Thuận Nam)…một phần do người tiêu dùng ở nông thôn ít hiểu biết về ATVSTP, nhất là những quy định bắt buộc khi kinh doanh thực phẩm nấu chín. Chính người tiêu dùng ở nông thôn thờ ơ với vấn đề vệ sinh thực phẩm, vì vậy mới có cửa cho người kinh doanh thực phẩm trong các chợ tùy tiện với chất lượng hàng hóa của mình.

Bà Mai Thị Phương Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, cho biết: Phải thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo đảm ATVSTP tại các chợ đặc biệt là các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều hạn chế; tình trạng vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn phổ biến. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa phải rõ ràng. Thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức ATVSTP đối với ban quản lý chợ và các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ... Tuy nhiên dù các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương có tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát thì ý thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ vẫn mang tính chất quyết định. Một điều quan trọng nữa là mỗi người dân cũng cần nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm từ thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nắm chắc cách lựa chọn thực phẩm để giảm thiểu tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.