Mỹ Sơn: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế theo hướng bền vững

(NTO) Xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) có 2.410 hộ, với 10.146 nhân khẩu, sinh sống ở 6 thôn: Tân Mỹ, Phú Thuận, Phú Thạnh, Phú Thủy, Mỹ Hiệp, Nha Húi. Những năm qua nhằm phát huy thế mạnh địa phương, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền và nhân dân Mỹ Sơn từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với diện tích đất tự nhiên lên tới 12.870 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 4.500 ha, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng chủ lực như: thuốc lá, bắp, mía, mì… Mỹ Sơn trở thành nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Thành Khải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn nhận định: Để đạt hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện địa phương là vấn đề then chốt để thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2010, hồ Cho Mo được xây dựng, với hệ thống kênh mương trên 50km, đảm bảo nước tưới cho 1.200 ha đất thuộc khu vực Hòn Dồ (thôn Phú Thuận, Tân Mỹ), địa phương đã lập kế hoạch định hướng việc phát triển sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành vùng trồng cây thuốc lá với quy mô khoảng 350 ha, bắp thương phẩm 300 ha, bắp nhân giống 130 ha, mía 115 ha, lúa 265 ha, mì 185 ha. Trong đó, diện tích thuốc lá được trồng tập trung tại thôn Phú Thuận theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và không mở rộng thêm diện tích. Lúa, bắp giống trồng xen canh gối vụ (2 vụ lúa, 1 vụ bắp/năm) tại 2 thôn Phú Thạnh, Phú Thủy. Mía, mì tập trung chủ yếu tại khu vực Hòn Dồ; đậu các loại khoảng 400-500 ha được trồng phổ biến tại 2 thôn Mỹ Hiệp và Nha Húi. Nhờ sản xuất tập trung nên khâu chăm sóc khá thuận tiện, bà con đồng loạt sử dụng giống mới, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng tăng. Trong đó, năng suất lúa bình quân đạt 50 tạ/ha, bắp thương phẩm 57 tạ/ha, bắp nhân giống 65 tạ/ha, thuốc lá 18 tạ/ha, mía 65 tạ/ha, mì 20 tạ/ha.

Bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, 2 năm qua nhiều hộ trong vùng đã có thu nhập khá. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Ngọc Hồng, thôn Phú Thuận, trước năm 2011 với 5 ha đất trồng bắp thương phẩm, hoa màu các loại sản xuất phụ thuộc vào nước trời nên năm được mùa gia đình cũng chỉ thu lãi trên 5 triệu đồng. Từ 2011 đến nay khi hệ thống mương cấp 1, 2 của hồ Cho Mo được đưa vào sử dụng, gia đình ông chuyển toàn bộ 5 ha đất sang trồng mía. Niên vụ 2012-2013, ông thu hoạch vụ đầu với năng suất 120 tấn/ha, trừ chi phí thu lãi khoảng 25 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với việc trồng hoa màu trước đây.

Tại các thôn đặc biệt khó khăn như Nha Húi, Mỹ Hiệp, khoảng 6 năm trở lại đây thay vì cho người khác thuê đất như trước, bà con Raglai, Nùng đã chủ động canh tác trên diện tích đất của mình. Bà con đã tận dụng nguồn nước từ hồ Phước Trung, thay thế giống bắp địa phương bằng giống bắp lai có năng suất cao, áp dụng triệt để mô hình xen canh bắp lai-đậu ván, chăn nuôi gia súc, gia cầm… nhờ đó thu nhập của người dân nơi đây từng bước được nâng lên.

Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được địa phương hết sức chú trọng, định hướng phát triển theo hướng chuyển dần từ hình thức chăn thả quảng canh sang bán thâm canh. Trong đó các loại gia súc được chú trọng phát triển như bò, dê, cừu với số lượng khoảng 12.300 con…

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Mỹ Sơn đã giảm xuống còn 23,78%, thu nhập bình quân đạt 8-9 triệu đồng/người/năm.