Giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh về "Thiết chế pháp lý"

(NTO) Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI-viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp (DN) dân doanh.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao chỉ số PCI, thông qua việc nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong những năm qua, UBND tỉnh đã quyết tâm và nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư và đã tạo được những chuyển biến tích cực. Chỉ số PCI của tỉnh (năm 2011) từ vị trí xếp hạng 46/63 tỉnh, thành trong cả nước, đã vươn lên vị trí thứ 18 (năm 2012). Đây là thành công quan trọng tạo tiền đề cho các năm sau trong việc nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh.

Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư trên 450 tỷ đồng, công suất 50 triệu lít/năm.
Sau khi hoàn thành đi hoạt động, nhà máy giải quyết việc làm cho trên 200 lao động, đóng góp ngân sách tỉnh khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Ảnh: Sơn Ngọc

Qua Báo cáo phân tích chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2012 cho thấy, có 6 chỉ số đã được cải thiện bao gồm chỉ số “Gia nhập thị trường”, “Tiếp cận đất đai”, “Chi phí thời gian”, “Chi phí không chính thức”, “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh” và chỉ số “Đào tạo lao động”; có 3 chỉ số giảm điểm so với năm 2011 là các chỉ số về “Tính minh bạch”, “Dịch vụ hỗ trợ pháp lý” và “Thiết chế pháp lý”. Một điểm rõ nét là ba chỉ số giảm điểm trên có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhất là chỉ số “Tính minh bạch” và chỉ số “Thiết chế pháp lý”.

Để nâng cao các chỉ số giảm điểm trong năm 2012, nhất là đối với chỉ số về “Thiết chế pháp lý”, theo tôi trong thời gian tới, tỉnh ta cần thực hiện tốt những nhóm nhiệm vụ sau:

Một là, cần bám sát kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 và những năm tiếp theo của tỉnh để tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, kiểm tra, rà soát và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi, hiệu quả KT-XH và khuyến khích những điểm mới, tích cực mang tính đột phá của các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, thu hút đầu tư, coi việc nâng cao chất lượng thẩm định, bảo đảm tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, cần tăng cường việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, xử lý triệt để những văn bản trái pháp luật không còn phù hợp đã được phát hiện, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, làm cơ sở cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các DN và các tầng lớp nhân dân. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, cần củng cố, kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 làm cơ sở tiền đề cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Ba là, tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, chú trọng tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản là: vừa giúp cho các DN hiểu, biết pháp luật và chú trọng thực hiện tốt pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm các DN hoạt động, cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật; đồng thời vừa giúp cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhìn thấy, dự báo những vướng mắc trong hệ thống thể chế, thủ tục hành chính gây cản trở, ảnh hưởng không tốt trong hoạt động của các DN. Trước mắt, cần tập trung thành lập, phát triển các Trung tâm Tư vấn pháp luật theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật và triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch số 2453/KH-UBND ngày 28-5-2012 của UBND tỉnh tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN.

Để thực hiện tốt ba nhóm công việc trên, theo tôi giải pháp quan trọng là cần xây dựng, hoàn thiện và thường xuyên củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế của các đơn vị, sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Bởi vì bộ phận pháp chế của các đơn vị, sở, ngành là lực lượng kết nối, trực tiếp tham mưu giúp cho lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành trong việc xây dựng các dự thảo văn bản pháp quy, chủ động rà soát hệ thống thể chế và trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp trong từng ngành, từng lĩnh vực, góp phần thực hiện tốt ba nhóm nhiệm vụ trên, trực tiếp góp phần nâng cao các “Chỉ số thiết chế” và chỉ số “Tính minh bạch” của tỉnh.