Thâm canh sản xuất lúa nước ở xã Phước Thắng

(NTO) Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, từ tháng 4-2012, xã Phước Thắng (Bác Ái) đã triển khai mô hình thâm canh sản xuất lúa nước trên diện tích 20 ha, với sự tham gia của 25 hộ dân. Sau 2 vụ sản xuất, đến nay các hộ dân đã thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, cây lúa cho năng suất, hiệu quả khá, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Phước Thắng là xã miền núi đặc biệt khó khăn, hầu hết là đồng bào dân tộc Raglai, người dân sau khi tái định cư về nơi ở mới vẫn chưa quen với việc cải tạo đất và sản xuất lúa nước.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác và lịch thời vụ nên năng suất lúa của người dân Bác Ái ngày càng tăng.

Chính vì vậy, một thời gian khá dài, đất sản xuất được cấp cho các hộ dân nhưng chủ yếu bỏ hoang, cho thuê, hoặc sản xuất không mấy hiệu quả. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội, Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã giao nguồn vốn để Hội Nông dân xã Phước Thắng thực hiện mô hình thâm canh, sản xuất cây lúa nước. Tổng vốn thực hiện dự án là 400 triệu đồng, trong đó vốn của những hộ tham gia là 100 triệu đồng; vốn vay từ quỹ hỗ trợ Trung ương được phân bổ là 300 triệu đồng, với mức thu phí là 0,9%/tháng. Trong quá trình triển khai, Hội Nông dân huyện, UBND xã và Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động và cùng các ngành chức năng như Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở các lớp tập huấn phổ biến về kỹ thuật thâm canh cây lúa nước, để nông dân áp dụng vào sản xuất, thực hiện dự án có hiệu quả cao nhất.

Ông Trương Thọ Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bác Ái cho biết: Thuận lợi là vùng sản xuất của xã đã chủ động được nguồn nước tưới từ hồ Sông Sắt và người dân đồng thuận tham gia. Tuy nhiên, bước đầu triển khai cũng gặp không ít khó khăn, do đất mới chưa qua cải tạo nên kém màu mỡ, phần người dân chưa quen với sản xuất lúa nước, trình độ thâm canh còn hạn chế. Kết quả, sau hai vụ thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 3,8 tấn đến 4,2 tấn/ha, cao hơn hẳn so với diện tích không tham gia dự án. Với diện tích 20 ha/25 hộ, qua hai vụ đã cho thu nhập 924 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ thu lợi trên 14,5 triệu đồng. Vì vậy, các hộ đã nộp phí đầy đủ hàng quý, có hộ đã trả dần vào tiền gốc và sang vụ thứ 3 sắp tới sẽ có thêm nhiều hộ trả gốc, để đảm bảo thu hồi vốn khi kết thúc dự án vào tháng 4-2014.

Nhờ tham gia mô hình, nhiều hộ dân có thu hoạch theo mùa vụ ổn định, tích lũy được nguồn vốn, tiếp tục sản xuất các vụ tiếp theo. Qua đợt bình xét hộ nghèo của xã, đã có 3 hộ tham gia dự án được thoát nghèo, tạo được chuyển biến tích cực trong đời sống, nhất là người dân dần biết ứng dụng khoa học-kỹ thuật, lịch thời vụ và cùng học hỏi trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất.