Nguồn vốn cho doanh nghiệp sẽ được khơi thông

Ngày 31-5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với trang web laisuat.vn tổ chức hội thảo “Khơi thông nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” nhằm phân tích tình hình, khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp, giải pháp để ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau và cùng hỗ trợ thúc đẩy nhau phát triển...

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh: Theo thống kê, 90 % doanh nghiệp trên cả nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô không quá 300 lao động và không quá 100 tỷ đồng vốn. Vì vậy, nhà nước có nhiều chính sách riêng biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và gần đây nhất là quyết định 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/4/2013. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới và thị trường nội địa trong tình trạng bão hòa... nên vấn đề khơi thông nguồn vốn đang là vấn đề rất quan trọng để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo lợi nhuận, tiếp tục phát triển.

Được Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho vay gần 300 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi,
Công ty may Thái Nguyên đã chủ động được nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của bạn hàng,
ổn định việc làm cho hàng ngàn lao động. Ảnh: Trần Việt - TTXVN.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhưng nếu khơi thông nguồn vốn chỉ dựa vào chính sách tiền tệ thì không đủ mà cần nhiều chính sách khác. Trong thời gian qua chính sách tiền tệ đã tác động giảm mặt bằng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay cũng giảm từ 2-4%, điều này đã góp phần thúc đẩy tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sản xuất.

Tuy nhiên, với mức lãi suất thấp mà các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, điều này cho thấy, doanh nghiệp cần cải cách để tăng khả năng thuyết trình, thuyết minh dự án khả thi của mình, chứng minh dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần mở rộng nút thắt trong tín dụng khi đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp... Đặc biệt, để tạo điều kiện cho những ngành có triển vọng xuất khẩu, ngân hàng nhà nước đã cho vay ngoại tệ để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng đầu tư công, giảm lãi suất... tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, nhưng nhìn chung số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng chưa nhiều do doanh nghiệp thiếu dự án, không thuyết trình được việc sử dụng vốn, thiếu tài sản thế chấp, thậm chí có doanh nghiệp đang trong tình trạng còn nợ đọng....

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VP Bank cho biết : Ngân hàng rất muốn hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhưng thực tế ngân hàng VP Bank cũng là doanh nghiệp nên phải bảo toàn vốn. Thực tế chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đủ điều kiện vay vốn. Ngoài ra khoảng 70% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối phó với tình trạng suy giảm trong sản xuất kinh doanh, tồn đọng sản phẩm nên không có nhiều nhu cầu vay vốn. Do đó, cần có sự hợp tác, chia sẻ giữa các bên cũng như sự vươn lên của chính doanh nghiệp để khơi thông nguồn vốn. Đặc biệt, nếu nhà nước có cơ chế bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho doanh nghiệp có dự án tốt, có chiến lược phát triển, đầu tư vào ngành nghề có triển vọng... vay vốn tín chấp để phát triển và trường hợp rủi ro thì nhà nước phải “gánh” rủi ro cùng ngân hàng thì đây cũng là giải pháp khơi thông nguồn vốn hiệu quả.

Cũng tại hội thảo, TS. Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh: Hiện ngân hàng đang có vốn, doanh nghiệp thiếu vốn nhưng không khơi thông được, mấy tháng qua, huy động tiền gửi tăng trên 5%, nhưng cho vay mới tăng hơn 1%. Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có khó khăn vì yếu về cả vốn, trình độ quản lý , khả năng tiếp cận vốn... Nhưng dự báo, tình hình sẽ cải thiện với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhận thức từ cơ quan lãnh đạo ngày càng thay đổi tốt hơn; Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành; Đặc biệt, vấn đề điều hành tập trung nhiều vào đầu tư công, tín dụng.

Ngoài ra , Chính phủ và cơ quan chức năng cũng đan g tích cực chỉ đạo việc xử lý nợ xấu ngân hàng, tuy nhiên việc này cần có thời gian và sự quyết tâm, phối hợp từ nhiều bên liên quan. Hiện, các ngân hàng được yêu cầu tăng cường trích lập quỹ dự phòng, kiểm soát nghiệp vụ cho vay bảo đảm tính lành mạnh hoạt động. Một số chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ nên kích cầu một cách hợp lý, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng hạ tầng và tăng mức đầu tư công. Từ đó sẽ tạo điều kiện để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN