Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Tiếp tục Phiên họp thứ 18, sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Theo Tờ trình do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tại Phiên họp, Kỳ họp thứ 5 sẽ khai mạc vào 9 giờ sáng 20/5 và bế mạc vào ngày 22/6/2013.

 Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Ban Công tác đại biểu đề nghị, chỉ bố trí thảo luận ở Đoàn khi Ủy ban Thượng vụ Quốc hội thấy cần thiết, vì có thể đại biểu sẽ không có yêu cầu làm rõ hay xác minh các vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm hoặc nếu có thì sẽ không đủ thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm và các cơ quan có thẩm quyền giải trình, làm rõ. Việc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn và báo cáo kết quả xác minh, giải trình về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khi thấy cần thiết. Đồng thời, chuyển nội dung công bố kết quả kiểm phiếu từ cuối buổi sáng sang cuối buổi chiều cùng ngày (11/6) để tăng thời gian cho việc kiểm phiếu, vì số phiếu hợp lệ, không hợp lệ được tính cho từng đối tượng là khác nhau.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, có ý kiến đề nghị cần tăng thời gian thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ 0,5 ngày lên 1 ngày hoặc 1,5 ngày, vì đây là dự án luật quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân; đồng thời, nên bố trí thảo luận ở tổ để tiếp nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và chưa nên thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5.

Có ý kiến đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày và bố trí nội dung này trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, để đại biểu có thêm thông tin, làm cơ sở cho việc lấy phiếu tín nhiệm.

Có ý kiến đề nghị bố trí thảo luận tổ về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội; bố trí phiên thảo luận các dự án luật vào đầu và giữa kỳ họp, phiên thông qua các nghị quyết, các dự án luật vào cuối kỳ họp; không nên bố trí xen kẽ việc biểu quyết thông qua luật vào phiên họp thảo luận và không bố trí thảo luận các dự án luật sau khi đã tiến hành xong phiên chất vấn và trả lời chất vấn; bố trí khoảng cách thời gian giữa đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng hợp lý hơn để đại biểu Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị rút ngắn hơn nữa thời gian tiến hành kỳ họp, cụ thể: Nên giảm 0,5 ngày thảo luận tổ (từ 01 ngày xuống 0,5 ngày) về kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước; giảm 01 ngày thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (từ 02 ngày xuống 01 ngày); bố trí Quốc hội làm việc một số ngày thứ Bảy.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, cân nhắc kỹ các nội dung và quỹ thời gian của kỳ họp, cách thức tiến hành đối với từng nội dung, thời gian nghiên cứu tài liệu của đại biểu, Văn phòng Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong dự kiến chương trình kỳ họp. Cụ thể: Giảm thời gian thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm và chuyển nội dung công bố kết quả kiểm phiếu từ cuối buổi sáng sang cuối buổi chiều ngày 11/6; tăng 0,5 ngày thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và chưa thông qua tại kỳ họp này để tiếp tục xin ý kiến và trình thông qua tại kỳ họp thứ 6; chuyển thời điểm Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; bố trí Quốc hội làm việc 2 trong số 4 ngày thứ Bảy. Riêng vấn đề nhân sự, vẫn dự kiến 01 ngày thứ Bảy (25/5).

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Với việc tiếp thu và sắp xếp chương trình như trên, dự kiến thời gian từ khi khai mạc đến bế mạc kỳ họp là 33 ngày (rút ngắn 4 ngày so với dự kiến gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội), trong đó, thời gian làm việc chính thức của Quốc hội là 26,5 ngày (chưa kể 1,5 ngày dự phòng).

Cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình của Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, đối với Luật Đất đai (sửa đổi), nếu không thông qua tại Kỳ họp này thì cần phải có nghị quyết cho phép kéo dài thời gian giao đất.

Quan tâm tới Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, nếu tại Kỳ họp thứ 5 mà Quốc hội đồng thuận, nhất trí cao thì thông qua, còn nếu chưa nhất trí thì để Kỳ họp sau. Phó Chủ tịch cũng đồng ý tăng thời gian thảo luận ở hội trường về luật này lên 1 ngày; đồng thời, đề nghị giữ nguyên 2 ngày thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Cho ý kiến về chương trình Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 5 phải được chuẩn bị thật tốt, phải tổ chức thành công đúng với nguyện vọng của nhân dân; tinh thần là họp công khai tới toàn dân, kể cả thảo luận những vấn đề về ngân sách, tiết kiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương của Đảng và Nhà nước, là đổi mới trong xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, thay mặt nhân dân. “Quan trọng nhất là ở người bỏ phiếu tín nhiệm... Người đại biểu phải công tâm, khách quan, không bị tác động, phải độc lập chính kiến và đánh giá tín nhiệm một cách chính xác, chắt lọc thông tin qua ý kiến nhân dân để việc lấy phiếu đạt kết quả”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Về Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự án Luật này có thông qua tại kỳ họp thứ 5 hay không là do Quốc hội quyết định./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam