Một số kinh nghiệm phòng chữa bệnh

Bong gân

Bị bong gân vùng các khớp xương thường xảy ra khi vận động, lao động, tai nạn,... làm cho chỗ bong gân sưng bầm, đau nhức, khó cử động do tổn thương xuất huyết, ứ huyết, thoát dịch khớp,... Khi bị bong gân nên kiểm tra có tổn thương về xương, sai khớp hay không: Nếu chỉ bị bong gân, ta có thể dùng các bài thuốc nam đơn giản để chữa trị như sau:

• Ngãi diệp (lá ngãi cứu, thuốc cứu) giã nhuyễn xào với rượu cho chín, đắp khi còn ấm lên vùng bong gân, bó giữ yên, mỗi ngày thay 1 lần.

• Lá ngãi diệp, lá bạch đàn, lá lão bạn (lẻ bạn), gừng, hành củ: mỗi thứ 1 ít, vừa đủ dùng, giã nhuyễn xào rượu bó giữ yên, ngày thay 1 lần.

Thông thường sau 5 – 7 ngày là kết quả tốt.

Viêm họng, khan tiếng

Muốn ngừa bệnh này cần thường xuyên dùng các loại nước mát, nhất là nước chanh, cam, rau má, ... vệ sinh răng miệng tốt; hạn chế nói lớn, nói nhiều, cử ăn cay nóng; nghỉ ngơi, làm việc điều độ, dinh dưỡng đầy đủ. Ta có thể áp dụng một trong các bài thuốc chữa chứng viêm họng, khan tiếng như sau:

• Rau Má 200g, xay sinh tố với đường cát hoặc mật ong uống nhiều lần trong ngày .

• Giá đậu xanh 500g hấp chín ép lấy nước, hòa ít đường phèn chấp nuốt trong ngày.

• Lá Sống đời 10g, lá rau Tần (Húng chanh) 10g, rửa sạch, chấm với ít muối nhai chấp nuốt nước, ngày làm từ 5 đến 10 lần.

• Cam thảo 6g, vỏ quýt 12g, rễ cỏ Xước 20g : cho vào 2 chén nước sắc đậm còn 1 chén, ngậm nuốt nước từ từ cả ngày.

• Kha tử 8g giã nát, 20g đường phèn, thêm 2/3 chén nước, chưng cách thủy, ngậm nuốt nước từ từ cả ngày.

Táo bón

Táo bón là chứng đi cầu khó khăn, vài ngày trở lên mới đi một lần.... do nhiều nguyên nhân như: ăn uống khô táo, cay nóng, ít vận động, suy nhược... Việc phòng chữa chứng táo bón cần khám bệnh để rõ nguyên nhân, thông thường nên ăn uống nhiều nước, nhiều chất nhuận, mát, thường xuyên vận động thể dục, xoa vùng bụng hàng ngày,... Ta có thể áp dụng một trong các bài thuốc như sau:

• Bơm mật ong tốt vào hậu môn khoảng 3-10 cl, sau 15-20 phút đi cầu được.

• Hấp lá muồng trâu non 1,2 nhành ăn với cơm vài lần.

• Xay dừa gần già cả nước, cơm để uống trong ngày, dùng vài ngày.

Trẻ em còi xương, loãng xương

Chứng còi xương, loãng xương là do thiếu khoáng chất Calci và một số chất khác gây nên. Đối với trẻ em làm cho cơ thể, gân xương chậm phát triển, nhẹ cân, ốm yếu; người lớn tuổi dễ gãy xương khi va vấp, té ngã,.... Ta có thể dùng một số món ăn thường xuyên để bổ sung Calci, các chất dinh dưỡng khác làm mạnh gân xương như sau :

• Mộc nhĩ đen 15g , mộc nhĩ trắng 15g, đường phèn vừa đủ : nấu nhừ ăn.

• Thịt ngao ( nghêu), trứng gà + gia vị : hấp ăn .

• Đậu nành 100g, nấm hương khô 10g, sườn heo ½ kg + gia vị : nấu làm canh ăn.

• Chân cua, ghẹ tươi sao vàng tán mịn ăn ngày 2 lần, 5g/lần.

• Tôm nõn, trứng gà, hẹ : xào ăn.

• Hải sản vỏ cứng, đậu trắng, đậu đen, rong biển : hầm ăn.

• Rạm ( họ Cua ) rửa sạch sấy khô, sao vàng, tán mịn ăn cơm.

• Cá có xương nhỏ ( cá cơm, cá nục ,... ) kho, nấu ăn.

• Đậu nành hạt 200g, ngâm 2 giờ, vớt rửa sạch, sườn heo ½ kg ướp gia vị : Hầm nồi đất ăn thường xuyên.

• Cải bẹ, đậu hủ 125g, tôm khô 5g, nấu canh ăn.

Khô khớp

Khô khớp là chứng suy thoái khớp xương do khô nhờn, biến dạng sụn đầu xương, chai xơ gân, bao khớp... Đây là chứng bệnh thường gặp của người lao động nặng, lớn tuổi, ăn uống thiếu chất, vận động viên, ... Để phục hồi (có mức độ) thoái hóa khớp, cần vận động khớp vừa phải, giảm chịu lực, thường xuyên xoa bóp, bổ sung dinh dưỡng nuôi khớp bằng các món ăn sau:

• Bột bắp dùng nấu súp quậy nước sôi uống, hàng ngày từ 50-100g.

• 1 /2 chén ăn cơm hạt mướp già, vài bộ chân gà, 2 nắm gạo: hầm ăn hàng ngày.

• Vài bộ chân gà (hoặc đuôi heo, móng chân heo) hầm với đậu đen, đậu đỏ, gạo nếp ăn hàng ngày.