Đời thường của những anh hùng

(NTO) Giữa những ngày toàn tỉnh tổ chức kỷ niệm 38 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, chúng tôi về Phước Trung tìm gặp Anh hùng LLVT Pi-năng Thạnh và Anh hùng LLVT Chamaléa Châu.

Hai ông là những người con ưu tú của núi rừng Bác Ái lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khi bản làng sạch bóng quân thù, hai ông trở về đời thường thi đua sản xuất giỏi, vận động bà con thôn xóm đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới no ấm, thanh bình.

Tên anh “khắc” vào đá núi

Chiến công hiển hách của quân dân xã Phước Trung anh hùng gắn liền với chiến công huyền thoại của Anh hùng Pi-năng Thạnh và Anh hùng Chamaléa Châu. Tên các anh được nhân dân “khắc” vào đá núi vùng chiến khu Bác Ái kiên trung. Trò chuyện với Anh hùng Pinăng Thạnh giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi được biết thời trai trẻ ông “ăn theo” lời Đảng, một lòng tin tưởng Ama Hồ. Đầu năm 1960, ông mưu trí xây dựng lực lượng phá ấp chiến lược Đồng Dày đưa gần 2.000 người dân thoát khỏi vòng kiềm kẹp của Mỹ ngụy trở về với bản làng tự do. Ông vận động bà con bám nương rẫy thi đua sản xuất nhiều lương thực ủng hộ bộ đội Ama Hồ ăn no đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Khi máy bay Mỹ từ phi trường Thành Sơn cất cánh bắn phá núi rừng Phước Trung, ông dũng cảm dùng súng trường bắn rơi hai máy bay trực thăng. Với cương vị Huyện đội trưởng Bác Ái, ông chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực và du kích nhiều lần đột kích Sân bay Thành Sơn làm tiêu hao khí tài, vật lực của không quân Mỹ. Trên nẻo đường xông pha trận mạc của người lính Ama Hồ, Pinăng Thạnh dũng cảm tham gia đánh địch trên chiến trường Bình Thuận, Phước Long. Ngày 20-2-1969, Pi-năng Thạnh vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 
Anh hùng Pi-năng Thạnh.

Hôm chúng tôi đến thăm Anh hùng Chamaléa Châu, gặp ông ở nhà lo việc nội trợ thay cho vợ đưa bò lên rẫy. Nhắc lại chuyện đánh Mỹ trên vùng đất Phước Trung, trong đôi mắt của người anh hùng ánh lên niềm tự hào tinh thần đánh giặc giữ nước kiên cường của quân dân xã Phước Trung. Chỉ tay về hướng núi Rã, Anh hùng Chamaléa Châu cười hóm hém: “Ngày 15- 3- 1967, anh em du kích xã Phước Trung tụi tui lần đầu tiên bắn rớt máy bay Mỹ ở đó. Tui thấy chiếc L.19 bay lè xè đuôi xịt khói trắng trời. Tựa lưng vào gốc cây ngo, tui bắn liền hai phát đạn thấy nó lượn lòng vòng như thằng say rượu rồi đâm đầu vào vách núi tan xác. Từ chiếc máy bay bị bắn rơi đầu tiên ở Phước Trung đã tạo thành phong trào cách mạng rộng khắp các địa phương. Hàng chục trực thăng, con cánh cụp cánh xoè lần lượt bỏ xác tại núi rừng Bác Ái. Riêng bản thân tui bắn rơi 7 chiếc máy bay Mỹ”. Mùa khô năm 1967, với vai trò Bí thư Chi bộ xã Phước Trung, ông mưu trí đưa 500 người dân địa phương sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn tránh được đợt càn quét của 4.000 quân Mỹ và chư hầu. Chamaléa Châu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 20-12-1994.

Anh hùng sản xuất giỏi

Sau ngày thống nhất đất nước, Anh hùng Pi-năng Thạnh và Anh hùng Chamaléa Châu nêu gương sản xuất giỏi, vận động nhân dân Phước Trung đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới. Hai ông đều bước qua lớp tuổi của những người xưa nay hiếm. Anh hùng Pi-năng Thạnh để căn nhà khang trang vào diện bậc nhất khu tái định cư thôn Rã Trên cho con gái trông coi, ông xuống phía hạ nguồn hồ Phước Trung xây chòi “trấn giữ” vùng đất rẫy kết hợp chăn nuôi gia súc. Nhờ Đảng, Nhà nước cho ra miền Bắc học bổ túc văn hóa, ông tốt nghiệp chương trình THCS. Ông thường xuyên nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa, hoa màu và chăn nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao. Với 2 ha đất canh tác được tưới bổ sung từ hệ thống thủy lợi Phước Trung, ông gieo trồng bắp lai, đậu xanh cho thu nhập mỗi vụ 40- 50 triệu đồng. Chúng tôi gặp ông đang cùng vợ dắt đàn bò bảy con lông vàng mượt vô chăn ăn cây đậu sau mùa thu hoạch. Mái tóc người anh hùng bạc trắng ngày ngày cần mẫn sản xuất giỏi nêu gương sáng cho bà con thôn xóm học tập kinh nghiệm làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

 
Đồng đội cũ thường xuyên thăm hỏi Anh hùng Chamaléa Châu (bên phải)

Anh hùng Chamaléa Châu “chuyên gia” trên lĩnh vực chăn nuôi gia súc ở xã Phước Trung. Ngoài đàn bò 18 con trị giá trên 200 triệu đồng, ông vừa dành dụm lương hưu đầu tư 60 triệu đồng mua 4 con trâu nái sinh sản nâng đàn gia súc lên 22 con. Ông giúp vốn cho các cháu tộc họ làm ăn bằng cách giao bò nái nuôi ăn chia theo phương thức 1-1. Sau hai năm, ông có thêm 1 con nghé và người nuôi có 1 nghé làm vốn phát triển kinh tế gia đình. Vài năm trước sức khỏe còn tốt, hàng ngày ông lùa bò lên núi chăn thả. Nay tuổi cao sức yếu, Anh hùng Chamaléa Châu giao đàn gia súc cho vợ chăm sóc, ông ở nhà lo việc nội trợ. Căn nhà của Anh hùng Chamaleá Châu ở đầu thôn Rã Trên luôn rộn tiếng nói cười của đồng đội cũ và bà con thôn xóm tới thăm chơi. Hàng ngày, ông dành thời gian xem ti- vi và đọc sách báo do các cơ quan gởi tặng. Hôm chúng tôi tới thăm gặp ông đang đọc bản tin Thông báo nội bộ số 4- 2013 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành. "Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi và nhiều dự án đầu tư theo Chương trình 30 a của Chính phủ giúp người dân Phước Trung có điều kiện làm ăn vươn lên giảm nghèo bền vững. Mình thường xuyên đọc tài liệu, báo chí nắm bắt thông tin vận động bà con đoàn kết làm ăn xây dựng thôn xóm no ấm”, Anh hùng Chamaléa Châu phấn khởi nói.

Lời kết

Chia tay Anh hùng Pi-năng Thạnh và Anh hùng Chamaléa Châu, chúng tôi về lại đồng bằng. Nhớ không khí yên lành thôn xóm Phước Trung với những căn nhà mái ngói đỏ tươi trong nắng trưa miền cao. Nhớ cái bắt tay ấm áp thân tình của Anh hùng Pi-năng Thạnh, với lời nhắn gởi mộc mạc: "Đồng bào Phước Trung phát huy truyền thống, chủ động sản xuất vươn lên làm giàu như đã từng bám trụ núi rừng đánh thắng giặc Mỹ trên chiến trường Bác Ái”. Ông hẹn gặp lại tôi tại Phan Rang vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng quê hương. Ông có nhã ý nhờ tôi chụp ảnh lưu niệm ông với Thiếu tá Huỳnh Hữu Lộng, người đồng đội đồng cam cộng khổ vào sinh ra tử trên chiến trường Ninh Thuận năm xưa.