Mưu sinh cuối nguồn sông- Ký sự của Thái Sơn Ngọc

(NTO) Dòng sông Dinh hiền hòa trữ tình làm nên dáng vẻ thơ mộng riêng có của thành phố Phan Rang- Tháp Chàm. Du khách gần xa đi qua Ninh Thuận đều dừng chân ngắm nghía đô thị ven sông còn giữ nguyên dáng dấp bờ tre, ruộng lúa, vườn nho, hàng cau của làng quê Việt xưa. Ít ai ngờ nơi cuối nguồn sông Dinh có hàng trăm gia đình sinh sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản do thiên nhiên ban tặng. Từ vài trăm năm trước, khu vực “ngã ba sông” hình thành nghề cào hến và đánh bắt cua, tôm, cá trên vùng sóng nước chà hai.

Nhộn nhịp ngã ba sông:

Đến với vùng “ngã ba sông” một chiều đầu tháng bảy, chúng tôi gặp không khí nhộn nhịp của cư dân địa phương vào mùa cào hến. Ngã ba sông là nơi hợp lưu của các con sông Dinh, sông Quao, sông Lu trước khi đổ ra cửa biển Đông Hải. Vùng cửa sông rộng mênh mông, bờ Bắc là Xóm Cồn, bờ Nam là làng An Thạnh. Với chiều dài hơn một trăm cây số, khởi nguồn từ dãy núi Gia Rích thuộc xã Phước Bình, con sông Dinh mang trong lòng phù sa đỏ thắm tưới cho ruộng vườn bốn mùa lúa thơm, nho ngọt. Đến phía hạ nguồn, con nước êm đềm trôi giữa đôi bờ biêng biếc tre xanh rồi hòa mình vào lòng biển mẹ bao la.

Nghề cào hến phía hạ nguồn sông Dinh

Về ngã ba sông, chúng tôi nghe tiếng trai gái gọi nhau í ới, tiếng nói cười sang sảng của hàng chục người dân cào hến. Họ dầm mình giữa dòng nước kéo theo chiếc thau nhựa chở đầy những con hến chỉ to bằng móng tay. Ngừng tay đãi hến, anh Phạm Rê, 45 tuổi ở Xóm Cồn (khu phố 3, phường Mỹ Đông) chia sẻ:”Từ khi lên mười tuổi, tôi đã theo mẹ đi cào hến. Nghề cào hến và đánh bắt thủy sản trên sông Dinh tuy không giàu nhưng cũng bảo đảm cuộc sống gia đình và nuôi con cái ăn học. Mỗi ngày, cố gắng cào 50-70 kg hến để dành dụm chút đỉnh tiền lo cho ba đứa nhỏ chuẩn bị vào năm học mới”.

Hến khai thác từ sông Dinh cung cấp cho thị trường trong tỉnh.

Tuy tất tả chất hến lên xe máy kịp về bán cho chủ vựa, người ướt sủng nước, nhưng anh Lê Văn Tư, 56 tuổi vẫn nấn ná trò chuyện với chúng tôi về nghề khai thác thủy sản ở vùng ngã ba sông Dinh. Anh Tư được giới cào hến phong hàm “lão tướng sông nước” do anh có bề dày trên ba chục năm gắn bó với nghề. “Từ khi lập gia đình tới nay, tui nuôi lớn bốn đứa con nhờ vào của “trời cho” trên sông Dinh. Nay thằng con út tiếp tục "nối nghiệp" cha làm nghề cào hến. Hàng ngày, chờ cho con nước ròng là bà con Xóm Cồn tụi tui đổ ra sông khai thác thủy sản. Mỗi ngày, gia đình tui cào 50 kg hến bán được 100 ngàn đồng đủ mua gạo, cá mắm cho xấp nhỏ”, anh Tư nói.

Mùa khô hàng năm, từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch, nước biển dâng lên ngập vùng ngã ba sông Dinh kéo theo nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm càng, cua xanh, cá lịch…Đây là thời điểm làm ăn chính của người dân Xóm Cồn và bà con Mỹ Nghĩa, Mỹ An, Hải Chử. Tuy chim trời cá nước nhưng vùng ngã ba sông có nhiều loài hải sản giúp người dân thu nhập mỗi ngày vài ba trăm ngàn đồng. Từ tháng năm đến tháng chạp âm lịch vào mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về nhiều nên bà con làm nghề cào hến bán cho các chủ vựa thu mua chế biến thức ăn tôm với giá 2.000 đồng/kg.

Nhọc nhằn mưu sinh

Đến ngã ba sông Dinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang- Tháp Chàm khoảng ba cây số về hướng Đông Nam, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Lãng, người “vác tù và” khu dân cư Xóm Cồn. Anh Lãng cho biết lưu dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Xóm Cồn gầy dựng cơ nghiệp từ vài trăm năm trước. Thuở lập làng, bà con đã khai thác nguồn lợi thủy sản trên sông Dinh. Khi nước triều rút cũng là thời điểm làm ăn của cư dân địa phương. Trẻ già, trai gái dầm mình trong vùng nước chà hai để cào hến và đánh bắt hải sản. Xóm Cồn hiện có 11 ha đất trồng màu và 3,3 ha ruộng hai vụ lúa nên không nuôi nổi 1.131 miệng ăn của 250 hộ dân. Hàng ngày, khu phố có 50- 80 gia đình tập trung ra sông Dinh khai thác thủy sản. Vào mùa khô, nguồn lợi thủy sản sông Dinh phong phú nên số lao động cào hến, bắt tôm cua lên trên một trăm người. Làm ăn sóng nước tuy rất nhọc nhằn nhưng đem về nguồn lợi đáng kể góp phần nâng cao đời sống cư dân Xóm Cồn. Tính đến nay, khu phố 3 còn 61 hộ nghèo do đông con, thiếu đất canh tác, già yếu neo đơn. Các gia đình Nguyễn Văn Sung, Phạm Rê, Nguyễn Lộc Phước tuy vất vả với nghề cào hến nhưng đã chắt chiu nuôi con ăn học chu đáo.

Anh Phạm Văn Trí được bà con tôn vinh là “kỹ sư trưởng” chuyên cải tiến công cụ cào hến.

Nhờ công cụ cải tiến của anh Trí giúp ngưởi dân địa phương cào hến đạt hiệu quả cao

Khu phố trưởng Nguyễn Việt Lãng tranh thủ thời gian rảnh rỗi việc làng, anh vác lưới bén ra giăng trên vùng ngã ba sông Dinh. Chỉ cần giăng lưới vài ba giờ, anh vừa có cá ăn cho cả nhà vừa dư thừa chút đỉnh đưa ra chợ bán 50- 70 ngàn đồng. Nghề làm ăn trên sông nước tuy dễ kiếm tiền nhưng cũng nhiều vất vả, hiểm nguy. Ở Xóm Cồn cũng đã có trường hợp tử nạn do bị sụp chân vào hố xe múc khai thác cát giữa dòng sông Dinh. Anh Phạm Văn Trí 42 tuổi được bà con tôn vinh là “kỹ sư trưởng” chuyên cải tiến công cụ cào hến đạt năng suất cao chia sẻ:” Sông nước mênh mông, nguồn lợi dồi dào nên chỉ cần chịu khó kéo cào là có cơm ăn, áo mặc. Điều lo ngại nhất là những ngày mưa nước nguồn đổ về rất hỗn nên bà con đều trang bị áo phao tự bảo vệ mình. Tôi thường xuyên nghiên cứu cải tiến dụng cụ giúp bà con vừa giảm sức lao động vừa đánh bắt được nhiều loài thủy sản nâng cao đời sống gia đình”.

"Lão tướng" Lê Văn Tư tất bật chở hến về bán cho chủ vựa thu mua

Sông nước thanh bình:

Mặt trời khuất dần sau rặng tre xanh phía làng An Thạnh. Bóng hoàng hôn tím biếc phủ tràn mặt nước vùng ngã ba sông Dinh. Những người dân Xóm Cồn vẫn dầm mình trong dòng nước bạc chà hai cố cào những đợt hến cuối ngày. Trên bãi Cồn Hến lại có những người đổ xuống đẩy đồ nghề ra giữa dòng sông mang theo đèn pin bắt ốc gạo đêm. Chúng tôi nấn ná không muốn rời khỏi vùng sông nước thanh bình đầm ấm tình người lao động gần gũi, thân thương. Đâu đó, giữa dòng sông Dinh, chợt cất lên tiếng hò ấm áp vang vọng của chàng trai cào hến làm thổn thức lòng người: “Thương em gái nước chà hai. Đắng cay mặn ngọt không phai tình đầu. Một lời hẹn ước trao nhau. Thủy chung sống đến bạc đầu còn in…”.