Để ôn thi tốt nghiệp THPT môn Hóa hiệu quả

ThS Trần Thị Phương Thảo - giáo viên môn Hóa Trường THPT Gia Định, TP.HCM - tư vấn: "Phải học tốt phần lý thuyết, đọc kỹ đề, viết đúng công thức của các chất và các phương trình phản ứng...".

 
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi tại kỳ thi đại học 2012 - Ảnh: Minh Đức

1. Cấu trúc đề thi môn hóa tốt nghiệp phổ thông năm học 2011-2012

Cấu trúc đề thi gồm: 34 câu hỏi lý thuyết (chiếm 8,5 điểm) và 6 câu hỏi tính toán (chiếm 1,5 điểm). Nội dung đề thi bám sát chương trình 12, phần lớn là những câu yêu cầu biết kiến thức (chiếm 60%), hiểu và vận dụng kiến thức (chiếm 40%), không có câu quá khó để phân loại học sinh. Nhìn chung đề thi tốt nghiệp hóa tương đối dễ, các câu hỏi không cần suy luận nhiều, học sinh học bài kỹ có thể lấy điểm 10.

2. Cách ôn tập môn hóa tốt nghiệp phổ thông

- Phải học tốt phần lý thuyết. Do phần lý thuyết có số điểm cao hơn phần bài toán, ngoài ra trong phần bài toán, nếu không nắm tốt các kiến thức lý thuyết, không viết đúng các phương trình phản ứng thì cũng không giải toán được. Trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT), kiến thức chỉ tập trung trong chương trình lớp 12. Các câu hỏi ở mức cơ bản, không đánh đố nên chỉ cần nắm vững các kiến thức cơ bản.

- Hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập sơ đồ mối quan hệ giữa các chất, học kỹ các phương trình phản ứng và hiện tượng xảy ra.

- Học tính chất vật lý, trạng thái tự nhiên, ứng dụng của các chất: dự đoán sẽ có một số câu hỏi về các phần này trong khi học sinh thường bỏ qua, chỉ tập trung học tính chất hóa học.

- Phần lý thuyết của môn hóa trong đề thi chiếm tỉ lệ khá nhiều và câu hỏi đa dạng nên để ghi nhớ nhiều học sinh cần soạn riêng những kiến thức tiêu biểu (phản ứng este hóa; thủy phân este; tráng gương của glucozơ; aminoaxit lưỡng tính; phân loại polime; kim loại phản ứng với nước, axit, dung dịch muối…), công thức (este, cacbohidrat, amin, aminoaxit, polime, nước cứng, thạch cao, phèn chua, criolit, boxit, hematit, manhetit, pirit sắt, xiđerit...), số lượng đồng phân (este, amin, aminoaxit, peptit…), tính chất vật lý chung của kim loại (kim loại nào dẻo nhất? cứng nhất? mềm nhất? dẫn điện và dẫn nhiệt tốt nhất?…). Học sinh phải thường xuyên xem đi xem lại các kiến thức này.

- Với bài toán, học sinh phải đọc kỹ đề, viết đúng công thức của các chất và các phương trình phản ứng, cần biết các phương pháp như lập sơ đồ phản ứng; phương pháp tăng giảm khối lượng; M trung bình; bảo toàn: khối lượng, mol nguyên tố, điện tích, mol elctron…

- Học sinh nên luyện tập các đề ôn tập tốt nghiệp phổ thông và các đề thi chính thức các năm trước để có nhiều kinh nghiệm. Đề thi các năm thường có nhiều điểm tương đồng, khi tham khảo nên cố gắng trả lời từng đáp án của câu hỏi lý thuyết tại sao đúng, tại sao sai.

- Rèn luyện kỹ năng bấm máy tính.

3. Cách làm bài thi môn hóa tốt nghiệp THPT

- Học sinh nên mang đồng hồ canh giờ vào phòng thi, dành mấy phút đầu đọc lướt qua đề, chọn câu lý thuyết và dạng quen làm trước để tạo tâm lý tự tin thoải mái.

- Phải đọc cả 4 đáp án vì nhiều trường hợp nhìn vào đáp án có thể giới hạn câu hỏi, dùng phương pháp loại suy giúp tìm nhanh câu trả lời.

- Nếu làm bài toán mất nhiều thời gian (khoảng 5 phút) dễ bị sa lầy nên chuyển sang câu hỏi khác, sau đó quay lại có khi phát hiện chỗ mình đã sai lầm và giải được bài toán. Ngoài ra có thể dùng phương pháp thế đáp án lên đề, chọn đáp án phù hợp với đề yêu cầu.

- Nếu gặp câu lạ thì bỏ qua rồi quay lại sau. Nếu không biết làm học sinh cần phải lựa chọn đáp án theo cảm tính, không nên bỏ trống câu trả lời.

Nguồn tuoitre.vn