Vai trò tổ chức cơ sở Đảng trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Xác định vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) trong lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ngày 21-11-2012, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn, miền núi tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2015 và những năm tiếp theo”.

NQ được ví như “cẩm nang” định hướng cho các Đảng bộ huyện và cấp uỷ Đảng các xã tăng cường lãnh đạo hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở nông thôn, miền núi, tạo động lực thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM.

 
Đường nông thôn xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước được bê-tông khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Duy Anh

Tỉnh ta có 47 Đảng bộ xã nông thôn và miền núi, chiếm tỷ lệ 73,31% tổng số Đảng bộ khối xã, phường, thị trấn và chiếm tỷ lệ 10,2% tổng số TCCSĐ trong toàn Đảng bộ tỉnh. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trong những năm qua, công tác xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn, miền núi, ven biển đã có nhiều chuyển biến tiến bộ. Chất lượng hoạt động của TCCSĐ, cấp uỷ từng bước được nâng lên, tỷ lệ TCCSĐ trong sạch vững mạnh hằng năm đều tăng. Hệ thống chính trị ở nông thôn, miền núi tiếp tục được kiện toàn, dân chủ cơ sở được mở rộng và phát huy. Chủ trương xây dựng NTM được quán triệt và triển khai tương đối tập trung. Nhiều nơi đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần làm cho diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Điển hình Đảng bộ xã Tân Hải (Ninh Hải), do chú trọng đến công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng đã tạo sự đồng thuận trong cán bộ (CB), đảng viên (ĐV) và nhân dân. Từ năm 2008 đến nay, nhân dân xã Tân Hải đã đóng góp trên 1,6 tỷ đồng thực hiện bê-tông hoá trên 90% đường nội thôn; trong đó riêng nhân dân thôn Hòn Thiên năm qua đã tự nguyện đóng góp 100% kinh phí (367 triệu đồng) và trên 300 ngày công để làm con đường nội thôn dài 1.456 m.

 
Thôn Hòn Thiên, xã Tân Hải (Ninh Hải). Ảnh: Văn Miên

Vị trí quan trọng của công tác xây dựng TCCSĐ ở các xã đối với tiến trình xây dựng NTM có thể thấy rõ qua thực tế đang diễn ra. Đơn cử Đảng bộ huyện Ninh Phước với trên 50 chi bộ thôn trực thuộc 8 đảng bộ xã. Thời gian gần đây, Huyện ủy Ninh Phước đã tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của TCCSĐ các xã và luôn quan tâm phát triển ĐV mới ở vùng nông thôn. Trong năm qua ,toàn Đảng bộ huyện đã kết nạp 105 ĐV, vượt kế hoạch 19,32%, trong đó có 20 ĐV mới là thanh niên nông thôn và khoảng 75 ĐV mới là CB thôn, trong lực lượng dân quân và HTX nên đã tăng được số lượng ĐV ở các chi bộ khu dân cư. Từ nhân tố ấy, trong năm qua các cấp uỷ Đảng ở Ninh Phước đã làm tốt công tác vận động quần chúng hưởng ứng chương trình xây dựng NTM. Nổi lên là các phong trào hiến đất và đóng góp làm đường giao thông ở các xã Phước Hữu, Phước Hải, Phước Vinh. Đặc biệt tại xã Phước Thái, nhân dân thôn Thái Hoà đã hiến gần 1.000 m2 đất để xây dựng hệ thống thoát nước dài 300 m; nhân dân thôn Như Bình, Đá Trắng đóng góp 1,1 tỷ đồng, cùng vốn hỗ trợ của Nhà nước thực hiện xây dựng 1.500 m đường bê-tông nội thôn trị giá 2,7 tỷ đồng. Nhận thức rõ tác động công tác xây dựng Đảng ở các xã đối với xây dựng NTM, Huyện uỷ Ninh Sơn tiến hành khảo sát và tổ chức Hội nghị Bí thư chi bộ thôn ở 8 xã trong huyện nhằm đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng chi bộ, qua đó đã có cơ sở thực tiễn để xây dựng NQ của Huyện uỷ về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn, miền núi”, bước đầu đã nâng dần chất lượng CB chủ chốt và đào tạo nguồn nhân lực cho cấp xã.

Toàn tỉnh có gần 70% hộ dân ở nông thôn và sinh sống bằng nghề nông, trong thời gian qua, thực tế cho thấy nơi nào đảng bộ xã làm tốt công tác xây dựng Đảng thì việc triển khai xây dựng NTM đỡ lúng túng, sự phối hợp trong hệ thống chính trị chặt chẽ hơn và Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch UBND xã cũng năng động hơn trong tuyên tuyền, huy động nguồn lực xã hội và quy hoạch phát triển sản xuất. Chất lượng hoạt động tổ chức Đảng được chứng minh rõ nhất qua việc lãnh đạo hiệu quả làm thay đổi diện mạo nông thôn, xác lập mối quan hệ tương tác giữa xây dựng NTM và xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh. Đồng chí Trần Minh Lực, Uỷ viên Ban Thường vụ-Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ khi bàn về vấn đề này đã nhận định: “Phải giải quyết cho nông dân việc làm ổn định, có kinh tế phát triển, đời sống khá hơn, con cháu được học hành thì khi ấy mới có thể vận động tuyên truyền nông dân tin vào Đảng, nghe theo Đảng và đóng góp ý kiến xây dựng Đảng”.

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu cụ thể, hằng năm có 60% TCCSĐ nông thôn, miền núi, ven biển đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” và kết nạp từ 250-300 ĐV mới. Theo tinh thần trên, đòi hỏi các cấp uỷ TCCSĐ phải đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt chi bộ thôn và phải nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo trong việc tạo nguồn phát triển ĐV. Tin rằng nếu thực hiện tốt mục tiêu trên, các TCCSĐ sẽ có tiền đề cần thiết cho việc đào tạo, bổ sung nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.