Dinh dưỡng mùa nắng nóng

(NTO) Mùa hè với cái nóng oi bức, khắc nghiệt, tạo cho con người cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Với trẻ, sức đề kháng còn yếu, nên rất dễ mắc bệnh. Vì vậy các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ với một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngoài việc phải làm sao đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, việc phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa qua ăn uống cũng là điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ.

Thêm vào đó, do trẻ em hiếu động, ham chơi đùa làm cho trẻ tiết nhiều mồ hôi nên dễ bị thiếu nước. Chính vì vậy nên cho trẻ uống đủ nước, thức uống có giá trị dinh dưỡng như sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống, sinh tố… ngoài ra còn có thể uống nước khác như: nước đun sôi để nguội, trà, nước khoáng, nước suối và nước rau má...

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng nước uống mỗi ngày cần thiết đối với người lớn khoảng 1,5- 2 lít, đối với trẻ em cần uống khoảng 50- 60ml nước cho mỗi kilôgam trọng lượng cơ thể. Nhu cầu nước uống tăng lên trong một số trường hợp như trẻ ra mồ hôi quá nhiều sau khi hoạt động thể lực hoặc trong thời tiết nắng nóng của mùa hè.

Thức uống dùng cho trẻ phải phù hợp theo lứa tuổi. Trẻ từ 0- 6 tháng tuổi nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, không cần uống thêm bất cứ các loại nước khác vì trong sữa mẹ chứa một lượng nước rất dồi dào và có cả dưỡng chất. Đối với trẻ từ 6- 12 tháng tuổi ngoài các bữa ăn chính cho trẻ uống thêm nước như nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước canh, nước cháo hoặc nước ép trái cây tươi. Đối với từ 1 tuổi trở lên thì uống bất cứ các loại nước nào mà người lớn sử dụng như nước đun sôi để nguội, nước khoáng... cũng có thể sử dụng thêm nước chanh, vì trong nước chanh có chứa nhiều vitamin C, vừa có công hiệu giải khát, giải nhiệt rất tốt, còn có tác dụng sát khuẩn, trị ho... uống nước mía tươi, nước ép dưa hấu có tác dụng giải khát, bổ dưỡng cho sức khỏe. Bên cạnh đó, trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy do thức ăn ôi thiu, vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm, nên tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc trong chế biến cũng như bảo quản thức ăn, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng bệnh cho trẻ. Thức ăn của trẻ khi đã chế biến cần tránh để ngoài nhiệt độ môi trường hơn 2 giờ, thức ăn không nên để lâu ngày trong tủ lạnh, hạn chế cho trẻ ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh. Đảm bảo rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, làm vệ sinh cho trẻ; không cho trẻ ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi; không cho trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, hàng ngày người mẹ cần phải rửa tay sạch bằng xà phòng, đối với trẻ lớn cần hướng dẫn cho trẻ hàng ngày rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tạo cho trẻ có một thói quen tốt để phòng được các bệnh trong mùa hè như bệnh tay-chân- miệng, bệnh tiêu chảy…