Tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng

(NTO) Trong hơn 2 tháng đầu mùa khô năm 2013, một số diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đã không còn giữ được độ ẩm cần thiết, nguy cơ cháy rừng gia tăng. Mặc dù chưa đến cao điểm mùa khô nhưng toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy, trên diện tích hơn 11 ha. Hiện nay, thời tiết ngày một nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã được thông báo ở cấp IV-cấp nguy hiểm.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ngay từ đầu mùa khô năm 2013, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được chỉ đạo và thực hiện theo đúng phương châm: Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để, đảm bảo sẵn sàng chữa cháy theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Từ đầu mùa khô đến nay tổng số điểm, vụ cháy do Cục Kiểm lâm báo cháy là 70 điểm, trong đó đồng bào đốt dọn nương rẫy, phụ phẩm nông nghiệp là 61 điểm; cháy rừng xảy ra 9 vụ. Mặc dù, thiệt hại do cháy rừng tuy không lớn, do chủ yếu là rừng khộp, các vụ cháy được phát hiện và dập lửa kịp thời, nhưng hiện nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao, bởi đây cũng là thời điểm người dân thường đốt rừng làm rẫy.

 
Nhân viên Trạm Bảo vệ rừng Ma Nới thường xuyên cập nhật dự báo cháy rừng mùa khô 2013.
Ảnh: Sơn Ngọc

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng, ngoài việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ", các đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, nhất là người dân sinh sống gần khu rừng, kể cả người dân được giao rừng khoán quản. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp, các đơn vị trực thuộc các khu vực rừng, đặc biệt khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng bằng các hình thức họp dân tại các thôn, tuyên truyền lưu động và qua hệ thống phát thanh… để người dân hiểu và không vi phạm, gây ra cháy rừng. Bên cạnh đó, phổ biến cho người dân thường đốt rẫy để lấy đất sản xuất vào cao điểm mùa khô biết về thời gian đốt (đốt có điều khiển), huy động lực lượng quản lý trước khi đốt, dập tắt lửa hoàn toàn sau khi đốt..., đồng thời xử lý nghiêm theo pháp luật những trường hợp vi phạm để xảy ra cháy.

Ông Phạm Cao Đảm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Trước tình hình nắng nóng diễn ra như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy cao, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với lực lượng địa phương thường xuyên bám sát cơ sở, nhất là khu vực rừng có khả năng xảy ra cháy cao như địa bàn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Nam..., để kịp thời chủ động dập tắt đám cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô này, 7 Ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện, thành phố đã tăng cường sự phối kết hợp thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng; 9 đơn vị chủ rừng cũng đã chủ động thành lập Ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; các đơn vị kiểm lâm đã bố trí 33 kiểm lâm địa bàn về túc trực tại 35 xã có rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy... Bên cạnh đó, củng cố 35 Ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã; củng cố, thành lập các tổ đội thôn, bản, các tổ nhận rừng khoán quản; nâng cao năng lực hoạt động của 97 tổ chuyên trách phòng cháy, chữa cháy rừng để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ngay tại địa phương, đơn vị...