Dự báo cho một mùa bội thu

(NTO) Vụ đông-xuân năm nay nông dân trong tỉnh đã đưa vào sản xuất trên 23.050 ha,vượt 2,8% kế hoạch, tăng 2,7% so với cùng vụ năm trước. Trong đó diện tích lúa chiếm trên 14.950 ha, đạt 104,7% so kế hoạch, tăng 4,3%. Nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác thực hiện 3.116 ha, đạt 103,7% kế hoạch và tăng 6,8% cùng kỳ năm trước; nhóm cây lấy củ có chất bột đạt 136 ha tăng 2,6 lần so kế hoạch; nhóm cây rau đậu, hoa, cây cảnh 3.420 ha đạt 96,1% kế hoạch và tăng 2,2%...

Điều đáng nói là giống lúa gieo cấy vụ đông-xuân từ hướng dẫn của các đơn vị chức năng, nông dân đã tập trung sử dụng các loại giống có kháng hoặc ít nhiễm rầy nâu, vàng lùn lùn xoắn lá, lùn sọc đen...với các giống chủ lực như ML 202, ML 15, TH 41, TH330, ĐV18, OM 2395, OM 4495, OM 4900, Nghi Hương, Jasmine 85, IR 64, KD 18. Mặt khác, nông dân nhiều địa phương đã đưa mô hình “1 phải, 5 giảm” thực hiện trên cây lúa, gieo sạ với mật độ vừa từ 120-150 kg/ ha. Hiện nay trà lúa gieo sớm đã thu hoạch nhưng không nhiều, đa phần từ 40- 60 ngày tuổi đang phát triển tốt. Về giống bắp cơ cấu vùng đồng bằng trồng các loại như G49, cargill 919, Bioseed 96-98, vùng miền núi LVN 10, LVN 8960, bắp nếp địa phương (nếp Nù, nếp VN2).

 
Ảnh: Duy Anh

Nhìn chung, vụ đông-xuân năm nay các huyện, thành phố diện tích cây trồng chính đều đảm bảo đạt kế hoạch đề ra. Riêng các vùng “ăn nước” từ hệ thống tưới kênh Bắc, hệ thống thủy lợi sông Trâu và kênh Nam ở vùng cuối kênh thuận lợi nên diện tích gieo trồng được mở rộng và tăng khá cao.

Đối với diện tích cây thuốc lá có xu hướng ngày thu hẹp lại do hiệu quả kinh tế của cây trồng này không cao. Theo thống kê, toàn tỉnh chỉ trồng 364 ha, bằng 66,2% kế hoạch, giảm 19,5% so cùng vụ năm trước, chủ yếu tập trung ở huyện Ninh Sơn 245 ha (chiếm 67,3%) giảm 5,7%, giảm nhiều nhất là huyện Ninh Phước chỉ còn 35 ha giảm đến 52%, Ninh Hải thực hiện 12 ha, giảm 28ha. Số diện tích đất chuyên canh thuốc lá trước đây nông dân đã chuyển sang trồng cây hoa màu có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Có thể nói, tình hình thời tiết từ đầu vụ đông-xuân tới nay khá thuận lợi, nhờ kiểm soát tốt khâu bảo vệ thực vật nên sâu bệnh hại không đáng kể, một số diện tích lúa bị đốm vàng gây khô đầu lá, bọ trĩ, sâu cuốn lá xuất hiện vài nơi nhưng mật độ không cao, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc bón phân và tưới nước đầy đủ. Điều đáng lo ngại hiện nay là phần lớn cây trồng đang ở giai đoạn “cây già, trái chín”, nhất là cây lúa đang trong thời kỳ làm đòng nên rất cần nước tưới đầy đủ. Tuy nhiên, theo dự báo khả năng hạn sẽ đến sớm hơn mọi năm do từ đầu năm đến nay mưa không đáng kể nên lượng nước chứa tại các hồ xuống thấp, dưới 50% dung tích chứa. Riêng hồ Sông Trâu chỉ còn trên 9,9/ 34,5 triệu m3; hồ Thành Sơn còn 0,7/3,5 triệu m3; Tân Giang còn 1,8/13,39 triệu m3... Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương cần phối hợp chạt chẽ với bộ phận thủy nông để điều tiết nước hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương nội đồng thông dòng chảy, đặc biệt là tổ chức bộ phận theo nước có kế hoạch, tránh tình trạng tranh giành gây mất an ninh trật tự tại địa phương như đã từng xảy ra trước đây.

Từ thực tế sản xuất nêu trên cộng với nỗ lực chăm sóc cây trồng của nông hộ, dự báo vụ đông-xuân sẽ đạt bội thu trên nhiều giống cây trồng trong tỉnh.