Một số kinh nghiệm ôn thi và làm bài hiệu quả môn Ngữ văn

(NTO) Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh cần phải có kế hoạch học và ôn thi sao cho hiệu quả. Vì thế, để học và làm bài tốt môn Ngữ văn, xin chia sẻ một số kinh nghiệm sau đây:

1. Quá trình học và ôn thi

Xác định cấu trúc đề thi

Khi học và ôn thi môn ngữ văn chúng ta cần phải chú ý đến cấu trúc đề thi. Theo cấu trúc thông thường của Bộ GD-ĐT, đề thi môn Ngữ văn sẽ gồm 2 phần. Phần chung dành cho tất cả thí sinh sẽ gồm 2 câu hỏi. Câu hỏi 1 yêu cầu thí sinh tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài; câu hỏi 2 yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (không quá 400 từ). Còn phần riêng đòi hỏi thí sinh phải vận dụng khả năng đọc hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học. Lưu ý, ở phần này thí sinh có quyền được chọn 1 trong 2 câu hỏi để làm bài chứ không phải học theo chương trình nào thì chọn câu hỏi thuộc chương trình đó để làm.

Hệ thống hóa để nắm chắc kiến thức

Quá trình học và ôn tập đòi hỏi chúng ta phải hệ thống hóa kiến thức các phần trong sách giáo khoa Ngữ văn, bao gồm: thơ, truyện ngắn, văn chính luận, tùy bút, kịch, văn học nước ngoài,.. Tránh việc học tràn lan từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, từ văn bản thuộc thể loại này sang văn bản thuộc thể loại khác và tương tự. Sau khi hệ thống hóa kiến thức, chúng ta đi sâu vào tìm hiểu kiến thức của từng bài thông qua việc định lượng, vạch ra những câu hỏi liên quan đến bài học ở cả hai dạng lí thuyết và phân tích thực hành để học và ôn thi. Ví dụ khi ôn tập bài “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, ta có thể vạch ra các câu hỏi dạng lý thuyết như: hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác, ý nghĩa của tác phẩm,…; phần viết nghị luận có thể gặp các câu hỏi như bình luận về sức thuyết phục của tác phẩm, chứng minh tác phẩm là áng văn chính luận mẫu mực, phân tích tội ác của thực dân Pháp, hoặc ở bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, ta có thể bắt gặp các câu hỏi dạng lý thuyết như: nêu hoàn cảnh sáng tác, kết cấu, mạch cảm xúc,…; phần câu nghị luận có thể gặp như phân tích tính chất lãng mạn của bài thơ, hình ảnh người lính trong bài thơ, hay thiên nhiên dữ dội, hùng vĩ và thơ mộng của bài thơ. Mỗi ý phân tích hay bình luận có thể tương ứng với từng đoạn thơ khác nhau trong bài.

Riêng phần câu hỏi nghị luận xã hội, ngoài kiến thức về môn học, chúng ta cần có một lượng kiến thức xã hội. Để làm tốt câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức xã hội nhất định và phải có cách thức và phương pháp nghị luận phù hợp. Thông thường, câu hỏi này xoáy sâu kiến thức ở các dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hoặc nghị luận về một hiện tượng trong đời sống.

2. Quá trình làm bài

Tìm hiểu, phân tích đề và lập dàn ý

Đây là khâu tưởng chừng như không cần thiết nhưng nhiều học sinh rất hay chủ quan và bỏ qua. Sự cần thiết của khâu tìm hiểu và phân tích đề và lập dàn ý sẽ giúp cho các em học sinh nắm vững cấu trúc đề thi, thang điểm, định hướng cách viết, định hướng các ý chính trong dàn ý sẽ lập, không bị lạc đề, nhầm đề, viết tràn lan,…

Đối với câu 1, về mặt lý thuyết chúng ta phải làm đủ các nội dung trong đề thi yêu cầu. Nếu đề có nhiều ý, thì ta tách ra để trả lời, tránh bỏ sót ý. Với câu hỏi này, chúng ta cần chú ý đến mặt thời gian và dung lượng câu trả lời, tránh viết tràn lan, rườm rà, lộn xộn tốn thời gian mà hiệu quả không cao.

Đối với câu 2, nếu là dạng đề yêu cầu nghị luận về một tư tưởng đạo lý thì chúng ta nên lập dàn ý theo các bước: nêu khái niệm hoặc quan niệm, sau đó phân tích, bình luận, bàn luận, nêu dẫn chứng, mở rộng vấn đề. Cuối cùng là phải liên hệ và nêu bài học cho bản thân,... Nếu là dạng đề yêu cầu nghị luận về một hiện tượng trong đời sống thì chúng ta cần theo các bước: nêu thực trạng (gồm 2 mặt tích cực và tiêu cực), sau đó đưa ra nguyên nhân, giải pháp. Trong quá trình xác lập ý và nêu quan điểm chúng ta phải chú ý đến tính chính xác và tính khách quan khi nhìn nhận về một vấn đề hay hiện tượng trong đời sống, không nên viết quá dài hoặc quá ngắn.

Đối với câu 3, có thể đề yêu cầu nghị luận một đoạn thơ, bài thơ; phân tích một nhân vật, một đoạn trích hoặc nghị luận một ý kiến bàn về tác phẩm, giai đoạn văn học. Đây là câu có số điểm cao nhất nên cần đầu tư thời gian nhiều hơn. Đầu tiên, chúng ta phải xác định ngay phương pháp nghị luận và lập dàn ý trước khi làm bài. Các luận điểm phải bám sát và làm rõ nội dung yêu cầu của đề, mỗi luận điểm phải có dẫn chứng đi kèm. Nếu phân tích hay bình luận về một đoạn thơ hay bài thơ thì chúng ta phải đảm bảo 2 yếu tố: nội dung và nghệ thuật song hành. Nếu là phân tích nhân vật thì ta phải đi sâu vào tính cách, tâm lý, nghệ thuật khắc họa nhân vật,…

Chú ý cách thức trình bày

Ngoài việc đảm bảo đủ lượng yêu cầu về kiến thức, mỗi bài làm cần phải chú ý đến cách thức trình bày. Để đảm bảo tính rõ ràng, mạch lạc và chính xác cho từng câu trả lời, chúng ta có thể ghi rõ câu hỏi trước khi trả lời, tạo khoảng cách giữa các câu trả lời bằng cách xuống hàng hoặc gạch chân. Dẫn chứng trong tác phẩm phải để trong ngoặc kép. Chữ viết phải ngay ngắn, thẳng hàng, dễ đọc, không tẩy xóa nhiều…