Lĩnh vực sản xuất - tiêu dùng

1. Ngành Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm

Nơi đào tạo: Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Nông Lâm – ĐH Huế, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM (ngành Hóa thực phẩm), hoặc các ngành về thực phẩm tại các trường ĐH, CĐ.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng về sản phẩm động vật và thực vật, khoa học thực phẩm và bảo quản thực phẩm, về vệ sinh an toàn thực phẩm, và chuyên sâu về khoa dinh dưỡng học, đặc biệt là dinh dưỡng người, liên quan mật thiết với công nghệ thực phẩm để có thể kiểm tra, đánh giá chất lượng nông sản thực phẩm, đánh giá tình hình dinh dưỡng và lập kế hoạch can thiệp dinh dưỡng cộng đồng.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; cơ sở sản xuất, chế biến nông sản – thực phẩm; ngoài ra, còn có thể làm việc tại các Viện hay Trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng người, các Trung tâm tư vấn về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng.

2. Ngành Bảo hộ lao động

Nơi đào tạo: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (2 chuyên ngành: Bảo hộ lao động và vệ sinh trong đơn vị, Kỹ thuật bảo hộ lao động và vệ sinh), Khoa học môi trường và Bảo vệ môi trường…), Trường ĐH Công Đoàn…

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học nắm vững kiến thức và có kỹ năng trong lĩnh vực an toàn lao động và vệ sinh; khả năng thanh tra, giám sát, đánh giá tác động của đơn vị đến môi trường và bảo vệ môi trường; khả năng đề xuất những kế hoạch củng cố điều kiện lao động cho phù hợp với những quy định về an toàn lao động và vệ sinh, cũng như thường xuyên đánh giá hiệu quả của kế hoạch nhằm điều chỉnh chúng cho phù hợp với sự thay đổi công nghệ và quy trình sản xuất tại đơn vị.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận các nhiệm vụ ở Ban Bảo hộ lao động của các ngành sản xuất, các cơ sở sản xuất vừa và lớn, các ban công tác của tổ chức công đoàn, các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Công nghiệp như: Quản lý, giám sát quy trình vận hành sản xuất ở một số cơ sở công nghiệp, lập kế hoạch bảo hiểm, bảo hộ lao động, điều tra tai nạn lao động, xử lý các yếu tố vệ sinh môi trường trên nhiều lĩnh vực sản xuất…

3. Ngành Công nghệ chế biến lâm sản

Nơi đào tạo: Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Nông Lâm – ĐH Huế, Trường ĐH Lâm Nghiệp, Trường ĐH Tây Nguyên (ngành Lâm sinh)…

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học kiến thức chuyên sâu và khả năng thực hành cao về kỹ nghệ gỗ và thiết kế đồ gỗ cho trang trí nội thất, về bảo quản, chế biến các mặt hàng lâm sản.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực sử dụng, bảo quản, chế biến các mặt hàng lâm sản tại các xí nghiệp như: Xí nghiệp chế biến gỗ, xí nghiệp gỗ mỹ nghệ, công ty keo dán gỗ, công ty sấy gỗ, công ty trang trí nội thất,..

4. Ngành Chăn nuôi

Nơi đào tạo: Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Tây Bắc, Trường ĐH Tây Nguyên,…

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học có chuyên môn tốt, có khả năng tổ chức sản xuất, nghiên cứu ứng dụng khoa học chăn nuôi vào sản xuất, có hiểu biết nhất định về phòng bệnh gia súc, gia cầm.

Hướng nghiên cứu: Nghiên cứu cải tiến dòng giống gia súc bản địa, đồng thời khảo sát khả năng thích nghi của các giống gia súc nhập nội (heo, gia cầm, trâu, bò sữa…), nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới trong nuôi dưỡng động vật (trâu, bò, heo, gia cầm, động vật giá trị kinh tế cao), nghiên cứu sử dụng chất thải trong chăn nuôi để tạo năng lượng, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nâng cao năng suất vật nuôi.

Việc làm sau khi tốt nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ quan Trung ương (như Viện Chăn nuôi, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp…) hoặc địa phương (như các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Tổng công ty Nông nghiệp, các Công ty chăn nuôi, các Trung tâm Giống vật nuôi, các Trung tâm Khuyến nông,…) các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm, các xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, các khu bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, các thảo cầm viên … hoặc tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo (Đại học, cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp).

5. Ngành Công nghệ chế biến thủy sản

Nơi đào tạo: Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Văn Lang, ĐH Khoa học – ĐH Huế, ĐH Lạc Hồng, ĐH Lâm Nghiệp, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Đà Lạt…

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về sinh học và những kiến thức chuyên sâu về sinh học, có khả năng thực hiện những nội dung nghiên cứu mở đường cho nghiên cứu ứng dụng. Chương trình đào tạo chú trọng đến các quy luật sinh học và các kỹ năng có thể được khai thác để tạo ra công nghệ và sản phẩm trực tiếp phục vụ cuộc sống, chú trọng tính liên ngành, đặc biệt trang bị các kiến thức và kỹ năng về sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật tế bào, kỹ thuật lên men, công nghệ enzym.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có khả năng hoạt động trên các lĩnh vực như: Y dược (bệnh: chẩn đoán, cơ chế, thuốc, vắc-xin); Môi trường (xử lý môi trường, phát triển bền vững), Nông – Lâm – Ngư (giống, bệnh, chất lượng), công nghiệp (lên men công nghiệp, vật liệu sinh học, thuốc, chế biến); Tin – Sinh học (genomics, proteomics, công nghệ ptotein…), Kinh doanh, chính sách kinh doanh về CNSH tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Hoặc có thể công tác tại các Viện Kiểm nghiệm, Viện Nghiên cứu, các cơ quan Y tế, bệnh viện, xí nghiệp dược các Viện nghiên cứu Y Dược, Viện Công nghệ Sau thu hoạch, các công ty chế biến thực phẩm, Nông lâm nghiệp, Thủy sản…

 

6. Ngành Công nghệ thực phẩm

Nơi đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Lạc Hồng, ĐH Nông Lâm – Huế, ĐH Nha Trang, ĐH Kỹ thuật – Công nghệ TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, …

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản để phát triển toàn diện, có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản và các kỹ năng kỹ thuật để đảm đương công việc của người kỹ sư công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội trong lĩnh vực thực phẩm.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tham gia vào quá trình quản lý, xử lý và sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, cụ thể như sau:

- Thiết kế và tiến hành các thí nghiệm trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ thực phẩm, khả năng phân tích và giải thích các số liệu thu được.

- Tiến hành thí nghiệm xác định các chỉ tiêu chất lượng thực phẩm, thí nghiệm nghiên cứu để giải quyết các vấn đề công nghệ trong công nghiệp thực phẩm và phát triển sản phẩm mới.

- Thiết kế thủ tục kiểm tra nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm và các công đoạn trong một quy trình sản xuất thực phẩm.

- Thiết kế một thiết bị, một quá trình và một quy trình sản xuất thực phẩm công nghiệp để đáp ứng các nhu cầu mong muốn với các ràng buộc thực tế như về kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị, đạo đức, sức khỏe và sự an toàn, có thể sản xuất được và có tính bền vững.

- Phân tích thiết kế, điều khiển và kiểm tra một vấn đề kỹ thuật trong quy trình sản xuất.

- Ngoài ra, còn có khả năng tham gia nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề liên quan đến ngành nghề được đào tạo và tiếp tục theo học các chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Công nghệ thực phẩm.