Kiểm soát chặt chất lượng hàng nông lâm thủy sản

Kết quả kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản (theo Thông tư 14/2011/TT - BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) trong 2 tháng đầu năm cho thấy, nhiều cơ sở xếp loại C (loại không đạt). Thực tế này cho thấy, cần có thêm các giải pháp kiểm soát triệt để chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Vi phạm an toàn thực phẩm còn phổ biến

Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm, qua 1.045 lượt kiểm tra cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản triển khai tại 22 tỉnh, thành và kiểm tra 262 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp phát hiện 36 cơ sở vi phạm và phát hiện 27 mẫu trên tổng số 108 mẫu kiểm tra vi phạm chỉ tiêu chất lượng. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 24 trên tổng số 172 cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Nuôi cá tra tại quận Ô Môn (Cần Thơ). Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Kết quả kiểm tra như trên cho thấy, chất lượng an toàn thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Một trong những nguyên nhân của tồn tại trên là việc kiểm soát an toàn thực phẩm của nhóm hàng nông lâm thủy sản chưa thực sự theo chuỗi giá trị sản phẩm, chưa thiết lập được nhiều mô hình liên kết sản xuất từ trang trại đến sản phẩm cuối và áp dụng được các nguyên tắc kiểm soát nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLSTS) cho biết: Sản xuất các sản phẩm nông sản như rau quả, thịt, lợn, gà còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó áp dụng các quy định của thực hành nông nghiệp tốt. Do đó, trong năm 2013, cần hoàn thiện các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với một số sản phẩm động vật, thực vật, thủy sản chủ lực, có nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm cao như: rau, quả, chè, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, sản phẩm thủy sản...

Tại cuộc họp mới đây của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lo ngại về tình trạng còn nhiều địa phương chưa quan tâm triển khai thực hiện Thông tư 14 về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong khi đó, nếu các địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo thì công tác đảm bảo an toàn thực phẩm khó đi vào nề nếp.

Thúc đẩy hình thành chuỗi thực phẩm an toàn

Để kiểm soát về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Theo đó, Cục đã hoàn thành việc khảo sát, xây dựng mô hình mẫu kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi nông thủy sản tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, từ tháng 3/2013, Cục tổ chức, phổ biến, hướng dẫn một số địa phương khác triển khai xây dựng mô hình thí điểm kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi nông sản rau, thịt tại 8 tỉnh phía Bắc và thủy sản tại 4 tỉnh phía Nam. Với việc kiểm soát chuỗi thì bản thân từng cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng cùng với sự giám sát cộng đồng cộng với việc kiểm tra định kỳ và đột xuất của cơ quan có thẩm quyền để hình thành chuỗi quản lý chất lượng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ sản phẩm. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: Để thúc đẩy việc hình thành chuỗi thực phẩm an toàn cần phải tập trung vào một số khâu trọng điểm và tập trung vào một số nhóm sản phẩm.

Về việc kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết: Hiện, mới đang làm thí điểm nên cần thời gian khoảng 6 tháng mới có thể tổng kết, sơ kết, đánh giá kết quả, rút ra những kinh nghiệm từ đó điều chỉnh và tiếp tục triển khai trên diện rộng để mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi “vận hành” đạt hiệu quả cao.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN