Thị trường trái cây, nông sản phục vụ ngày Tết có gì mới ?

(NTO) Cùng với các loại trái cây, củ, quả ngoại tỉnh chuyển đến, tại tỉnh ta nguồn nông sản tại chỗ cung ứng cho thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán Quý Tỵ-2013 cũng rất lớn.

Dưa hấu, chuối, nho tăng giá

Cùng với nhiều loại trái cây khác, người trồng dưa hấu ở huyện Ninh Sơn đang tất bật thu hoạch phục vụ Tết. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại giá dưa đang giảm xuống còn ở mức trên dưới 7.000 đồng/kg (dưa loại 1 xuất khẩu); từ 4.000đồng đến 5.000đồng/kg (dưa loại 2), so thời điểm hai tuần trước đó. Tuy nhiên, với giá dưa hiện tại thì người trồng dưa bán Tết năm nay vẫn vui khi thu hoạch. Theo ước tính, với 1 sào dưa năng suất đạt vào khoảng từ 3,5 tấn đến 4 tấn như hiện nay thì người trồng cũng thu lãi gần 20 triệu đồng. Năm nay, tổng số diện tích dưa nông dân huyện Ninh Sơn trồng để bán trong dịp Tết vào khoảng 100ha, chủ yếu là nông dân ở xã Lương Sơn và thị trấn Tân Sơn.

Dưa hấu phục vụ Tết được bày bán tại chợ Phan Rang. Ảnh: Duy Anh

Mặt hàng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết đó là chuối, theo dự báo sẽ có nhiều biến động về giá. Những năm gần đây, lượng chuối phục vụ Tết cho thị trường trong tỉnh chủ yếu ở xã Phước Bình (Bác Ái). Bước vào mùa thu hoạch, dù năng suất năm nay giảm hơn so với mọi năm nhưng giá lại tăng cao nên người trồng chuối ở Phước Bình hết sức phấn khởi. Theo anh Ka-tơ Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình, địa phương hiện có trên 600ha chuối, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên lượng chuối giảm vào khoảng 20% so với cùng kỳ, nhưng vẫn “dư” để phục vụ cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh ngoài. Giá chuối cao gấp đôi giá bán ngày thường nên nhiều hộ trồng chuối trong xã năm nay đón Tết lớn. Anh Pi-năng Phiên, thôn Gia É vui vẻ: “Tôi bán tại rẫy cho thương lái giá 6.500đồng/kg, với gần 1ha chuối (trên 350 cây) Tết này gia đình cũng thu về vài chục triệu đồng”. Được biết, hiện thương lái đang tấp nập thu mua chuối tại địa phương với giá từ 6.500 – 7.500đồng/kg. Nếu chuối quầy cho trái đẹp vào khoảng từ 6 đến 8 nải, thương lái sẽ mua thẳng với giá gần 100.000 đồng/quầy.

Là cây đặc sản của địa phương, nhưng hiện tại, số vườn nho đang cho thu hoạch chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích. Với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg (giá ngày thường trung bình 15.000 đồng/kg), người trồng nho vụ Tết này sẽ có thu nhập cao. Không giấu niềm vui được mùa, anh Dương Quốc Toàn, xã Phước Hậu (Ninh Phước) tươi cười kể: Khi nho vừa “chín bói” là nhà vựa đến hỏi mua ngay. Nửa sào nho này ước tính sản lượng khoảng trên 1 tấn, tôi đã bán mão 20 triệu đồng. Tết này gia đình sắm sửa thêm vài thứ đón Tết ấm cúng hơn.

Một lão nông tại thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) cho biết: Nho tết thường giá cao hơn nhưng để “canh” sao cho đúng thời điểm cũng không đơn giản. Thực tế, có một số nhà vườn bị “bể” do ảnh hưởng của mưa cuối mùa năm ngoái, một số bị bệnh nấm, thán thư,… Mặt khác, để tránh điệp khúc “được mùa mất giá, được giá, mất mùa”, nông dân không còn tâm lý hùa theo canh vụ cố định nữa mà rải đều ra cả năm. Nhờ vậy, hầu như vào thời điểm nào trong năm cũng có nho cho thu hoạch, giá cả ổn định hơn, tăng thu nhập cho nông dân. Sau nhiều thông tin về các sản phẩm nhập ngoại kém chất lượng, người tiêu dùng ưa chuộng trái cây Việt hơn. Do vậy, nhu cầu nho trong Tết năm nay sẽ tăng cao so với mọi năm. Thị trường chủ yếu của nho Ninh Thuận là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Mặt hàng nông sản nguồn cung dồi dào

Để phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm, những ngày qua các mặt hàng nông sản tại tỉnh đổ về các chợ với khối lượng lớn. Tuy vậy, giá cả nông sản hầu hết giảm mạnh.

Chúng tôi về vùng sản xuất các mặt hàng nông sản phục vụ Tết ở An Hải (Ninh Phước), Văn Hải, Mỹ Hải… (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) và cảm nhận không khí tất bật thu hoạch của nhà nông ở thời điểm cuối năm. Chị Bê, một chủ vựa thu mua nông sản tại Tp.Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Từ giữa tháng Chạp tới nay, mỗi ngày chúng tôi nhập gần 5 tấn hàng rau, củ, quả (nhiều gấp 3 lần ngày thường) đi các chợ đầu mối trong tỉnh và xuất cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Tuy nhiên, giá cả lại thấp hơn so với ngày thường. Như cà rốt thu tại rẫy là 4.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với ngày thường; củ cải trắng thu 2.500 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg. Lý giải về sự tụt giá của các mặt hàng nông sản, anh Phạm Đông Chí, một người trồng rau, củ ở phường Mỹ Hải cho rằng: Nhà nông ai cũng chăm chút đầu tư vụ cuối năm để bán lấy tiển sắm Tết. Đến cuối năm đồng loạt thu hoạch. Như nhà tôi đây, bình thường trồng có mấy trăm thước cà rốt và tỏi bán gối đầu, nhưng Tết năm nào cũng trồng hết diện tích gần 3 sào đất vườn. Tuy giá rớt hơn so với ngày thường nhưng cái được là năng suất đạt nên cũng lãi chứ không thua lỗ.

Khảo sát giá tại các chợ lớn trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho thấy giá các hàng nông sản khác cũng giảm mạnh so với thời điểm trước tháng Chạp. Chị Luận, bán hàng la-ghim ở chợ Phan Rang cho biết: Tôi lấy hàng ở chợ đầu mối Tấn Tài, dưa leo giảm 2.000 đồng/kg; súp-lơ giảm 2.000 đồng/búp; cà chua giảm 3.000 đồng/kg; rau xà lách giảm 2.000 đồng/kg. Chỉ có mặt hàng hành, tỏi Phan Rang là tăng giá hơn bởi nhu cầu người tiêu dùng mua đặc sản làm quà biếu. Theo kinh nghiệm bán hàng nhiều năm ở chợ, thì phải đợi đến 25 tháng Chạp trở đi, người dân mới bắt đầu mua rau, củ, quả để cúng tất niên và dự trữ cho 3 ngày Tết. Như mọi năm thì vào thời điểm đó, giá các mặt hàng này mới tăng và không tránh khỏi tình trạng khan hiếm hàng.